Sáng sớm 21-11, Nga phóng một tên lửa đạn đạo mang tên Oreshnik (tiếng Nga nghĩa là "cây phỉ") nhằm vào TP Dnipro, miền Đông Ukraine, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và làm hàng chục người bị thương.
Ban đầu, tên lửa này được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhưng các phân tích sau đó xác định đây là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). Theo Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh, Oreshnik là biến thể của tên lửa đạn đạo RS-26 do Nga phát triển.
RS-26 là tên lửa nhiên liệu rắn nặng 40 tấn, có vị trí độc đáo trong hệ thống phân loại tên lửa. Cụ thể, nếu được phóng đi từ góc bắn nhất định, tên lửa này có thể đạt tầm bay khoảng 5.500 km, đủ để được xếp vào phân loại ICBM. Tuy nhiên, về bản chất, tên lửa này lại phù hợp hơn với các nhiệm vụ tầm trung với tầm bay dưới 5.500 km.
Cách phân loại này đặc biệt đáng chú ý khi xét đến bối cảnh ra đời RS-26.
Đám cháy sau vụ tấn công bằng tên lửa của Nga vào Dnipro ngày 21-11. Ảnh: Cơ quan Ứng phó khẩn cấp Ukraine.
Trước năm 2019, cả Mỹ và Nga đều tham gia Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987, trong đó có điều khoản cấm phát triển và triển khai các loại tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Nguyên nhân là các loại tên lửa tầm trung vừa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vừa có năng lực tấn công nhanh, có thể gây mất ổn định nghiêm trọng.
Trong động thái được cho là để tránh vi phạm trực tiếp INF trong giai đoạn thử nghiệm trước năm 2019, Nga đã thử nghiệm RS-26 ở góc bắn đủ để vượt ngưỡng tầm bắn 5.500 km, khiến nó giống ICBM, dù thiết kế của tên lửa phù hợp hơn cho phạm vi bắn tầm trung.
Mối liên hệ giữa Oreshnik và RS-26 một lần nữa nêu bật nguồn gốc gây tranh cãi nói trên. Dù Oreshnik không được phân loại là ICBM, quá trình phát triển loại tên lửa này nhấn mạnh tính linh hoạt chiến lược trong thiết kế của nó.
Vụ phóng Oreshnik diễn ra sau khi Ukraine tập kích sâu vào các kho vũ khí và trung tâm chỉ huy của Nga bằng tên lửa tiên tiến do phương Tây cung cấp, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên.
Sau vụ phóng, Nga cam kết sẽ sản xuất hàng loạt Oreshnik. "Công tác sản xuất hàng loạt Oreshnik thực tế đã được tổ chức" - Tổng thống Vladimir Putin xác nhận.
Ông Putin còn lưu ý rằng quá trình phát triển tên lửa diễn ra nhanh chóng, dựa trên các công nghệ trong nước, qua đó đảm bảo Moscow đã "giải quyết các vấn đề nhập khẩu thay thế". Theo RT, điều này cho thấy Nga đã tìm ra cách phát triển Oreshnik hoàn toàn bằng nguồn lực của riêng mình, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các linh kiện nước ngoài.
Bình luận (0)