xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hệ lụy từ "cắm mặt" vào điện thoại

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Giới chuyên môn cảnh báo việc thường xuyên "cắm mặt" vào điện thoại có thể dẫn đến hội chứng "tech neck" - thuật ngữ mô tả tình trạng đau cổ và vai mạn tính

Mới đây, một thiếu niên (15 tuổi, tỉnh Hòa Bình) được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng cột sống cổ, liệt tứ chi.

Mặt trái khủng khiếp

Trước khi phát bệnh, thiếu niên này chơi game trên điện thoại liên tục thâu đêm. Trong quá trình chơi có nhiều động tác như lắc, giật mạnh cổ mà theo bệnh nhân là cho đỡ mỏi.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân liệt tứ chi, liệt nhiều bên phải với cơ lực chân 2/5 và cơ lực tay chỉ 1/5, kèm theo đau nhiều vùng đốt sống cổ 4-5-6-7. Nghi ngờ nhiều liên quan đến tủy sống cột sống cổ, bác sĩ chỉ định chụp MRI và phát hiện khối máu tụ lớn ngoài màng cứng mặt sau ngoài bên phải tủy cổ ngang mức C3-C5 gây chèn ép tủy cổ. Sau khi được phẫu thuật khẩn cấp lấy máu tụ, cầm máu, giải áp chèn ép tủy sống…, bệnh nhân qua được nguy hiểm, cảm giác, dấu hiệu về vận động dần phục hồi.

Bệnh nhân điều trị về xương khớp tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) Ảnh: NGỌC DUNG

Bệnh nhân điều trị về xương khớp tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) .Ảnh: NGỌC DUNG

TS-BS Trương Như Hiển, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (người trực tiếp mổ cho bệnh nhân), cho biết thói quen lắc, giật mạnh cổ để đỡ mỏi do sử dụng điện thoại liên tục là nguyên nhân chính khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột với lực mạnh gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ. "Bệnh thường gặp với người lớn tuổi, thoái hóa cột sống nặng. Tuy nhiên, ở bệnh nhân trẻ này là lần đầu tiên trong hàng chục năm làm nghề mới gặp" - BS Hiển thông tin.

Tại các cơ sở y tế chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình ở Hà Nội, TP HCM…, số bệnh nhân trẻ điều trị do biến cố của thói quen thời đại "cắm mặt" vào điện thoại, bất động trong thời gian dài là không phải ít. Gần đây nhất là một thiếu nữ 17 tuổi được Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP HCM) tiếp nhận điều trị vì đau cổ kéo dài. Các chẩn đoán phát hiện bệnh nhân bị đau cơ cổ, cơ cổ bị teo do ít vận động. Tìm hiểu ra, ngoài việc học, cô gái suốt ngày "cắm mặt" vào điện thoại.

Các chuyên gia cảnh báo tại Việt Nam, tình trạng sử dụng smartphone ở giới trẻ cả về số lượng lẫn thời lượng tăng cao đến mức trở thành nỗi quan ngại của các bậc phụ huynh. Một cuộc khảo sát gần đây trong giới học sinh (4 trường THPT ở TP HCM và 2 trường ở Bình Dương) cũng chỉ ra rằng có tới 37,7% học sinh ở TP HCM sử dụng điện thoại từ 5-6 giờ/ngày; tại Bình Dương tỉ lệ này là 41,2%. Độ tuổi dùng internet nhiều nhất là 14-15 (93%), kế đó là 12-13 tuổi (82%). Các em thường dùng internet để phục vụ việc học, giải trí, kết bạn, chia sẻ thông tin và mua sắm.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh đã trở thành thói quen phổ biến của cả cộng đồng. Sự bùng nổ công nghệ mang lại nhiều tiện ích, trở thành công cụ học tập, làm việc, giải trí... song cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Thực tế đã ghi nhận những tác động tới não, mắt, cơ xương khớp, rối loạn chuyển hóa, trầm cảm… Những vấn đề này có thể không nguy hiểm đến tính mạng ngay song về lâu dài có thể gây hệ lụy trong cuộc sống.

Bệnh của thời đại

PGS-TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội), cho biết lối sống hiện đại khiến con người lười vận động, trong khi đó thời gian sử dụng máy tính, điện thoại lại nhiều hơn. Khi ngồi một vị trí, một tư thế mà sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài dễ dẫn đến đau mỏi vai gáy, đau cổ…, từ đó kéo theo các bệnh lý về xương khớp gia tăng. Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tiếp nhận nhiều người trẻ đến khám, điều trị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu vì đau mỏi vai gáy, đau cột sống, đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm. Riêng với người làm công việc văn phòng, tỉ lệ mắc bệnh cơ xương khớp hiện đã tăng lên rất nhiều. "Một bệnh lý đang gặp nhiều ở người trẻ là bệnh trĩ. Khoảng 30%-40% người Việt mắc căn bệnh "khó nói" này và trong số các lý do mắc bệnh có nguyên nhân ngồi lâu, sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục nhiều giờ" - PGS Cường cảnh báo.

Theo các chuyên gia, không khó để thấy hầu hết mọi người sử dụng điện thoại, máy tính đều gò ép bản thân vào tư thế cúi đầu. Thậm chí, người dùng chỉ dùng một tay để vừa giữ điện thoại, máy tính vừa thực hiện các thao tác trên đó. Việc duy trì thói quen cúi đầu trong thời gian dài có thể khiến đầu đổ về phía trước, ảnh hưởng đến cột sống cổ, gây ra tình trạng vẹo cổ cũng như đau cơ xương khớp ở tay, đặc biệt là vị trí cổ tay, ngón tay. Nguyên nhân do nhóm cơ phải co rút lại để chịu đựng trọng lượng hơn bình thường. "Tư thế cúi đầu làm tăng áp lực lên cơ cổ và cột sống gấp 4-5 lần so với giữ đầu thẳng. Về lâu dài làm suy yếu các dây chằng ở cột sống, dẫn đến hội chứng đau cổ vai gáy; làm thay đổi đường cong sinh lý cột sống, tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm" - ThS-BS chuyên khoa I Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo.

Giới chuyên môn cũng cảnh báo việc "cắm mặt" vào điện thoại lâu có thể dẫn đến hội chứng "tech neck". Đây là thuật ngữ thời đại được sử dụng để mô tả tình trạng đau cổ và vai mạn tính do thường xuyên cúi đầu nhìn vào các thiết bị điện tử. Nhiều nghiên cứu cho thấy người dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại sẽ ít hoạt động thể chất, cơ thể sẽ trở nên chậm chạp, không năng động, dễ béo phì từ đó dẫn đến bệnh lý tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, đái tháo đường...

Để phòng tránh nguy cơ này, các bác sĩ khuyên cần đặt mục tiêu cho việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng và tắt các thiết bị này vào thời gian nhất định trong ngày, chẳng hạn khi đi tập thể dục, khi ăn, khi chơi với bạn bè, không mang điện thoại khi đi tắm, vệ sinh hay khi đi ngủ. "Phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Với trẻ nhỏ, khi cho chơi điện thoại nên gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng, đặc biệt những ứng dụng trò chơi làm trẻ ham mê; giới hạn thời lượng phù hợp được dùng mỗi ngày..." - một chuyên gia nhấn mạnh. 

Những con số báo động

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, việc không hoạt động thể chất góp phần gây ra hơn 3 triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được trên toàn cầu. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư do các bệnh không lây nhiễm. Ít vận động cũng là nguyên nhân gây ra từ 21%-25% ca ung thư vú và ung thư ruột kết, 27% ca bệnh đái tháo đường và khoảng 30% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo