xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm họa ma túy mới với giới trẻ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Ma túy thường được đóng trong những gói cà phê, trà thảo mộc có bao bì hấp dẫn, bắt mắt, mùi vị quyến rũ, thơm ngon để nhắm tới học sinh, sinh viên, giới trẻ

Những gói “nước vui” do đối tượng Nguyễn Thị Hoài cùng các đồng phạm pha chế bị lực lượng chức năng bắt giữ Ảnh: C04

Những gói “nước vui” do đối tượng Nguyễn Thị Hoài cùng các đồng phạm pha chế bị lực lượng chức năng bắt giữ Ảnh: C04

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết thời gian gần đây tình trạng ma túy tổng hợp "núp bóng" dưới dạng thực phẩm, đồ ăn, nước uống, thuốc lá điện tử... có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thị phần các đối tượng nhắm tới là giới trẻ, học sinh, sinh viên muốn tìm tòi, khám phá sự mới lạ.

Mua bán ma túy mới ngày càng tinh vi

Các đối tượng đã có những thủ đoạn rất tinh vi lập cả xưởng điều chế ngay trong các khu dân cư để sản xuất rồi bán trên mạng xã hội. Điển hình như ngày 5-6-2023, C04 phá xưởng pha chế, đóng gói "nước vui" quy mô lớn, đồng loạt bắt giữ 17 đối tượng do Nguyễn Thị Hoài (31 tuổi, trú TP HCM) cầm đầu.

Thủ đoạn của nhóm này là mua bán ma túy qua mạng xã hội, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, thuê các công ty vận chuyển đưa ma túy, các loại phụ gia, bao bì đóng gói về Việt Nam tập kết tại kho ở TP HCM. Để tránh bị phát hiện, bọn chúng thường xuyên thay đổi nơi cất giấu, pha chế, đóng gói ma túy. Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ, trong nửa năm, các đối tượng đã pha chế, đóng gói và xuất ra thị trường khoảng 750 kg ma túy "nước vui".

Những gói “nước vui” do đối tượng Nguyễn Thị Hoài cùng các đồng phạm pha chế bị lực lượng chức năng bắt giữ Ảnh: C04

Những gói “nước vui” do đối tượng Nguyễn Thị Hoài cùng các đồng phạm pha chế bị lực lượng chức năng bắt giữ Ảnh: C04

Mới đây, ngày 14-9-2023, C04 phối hợp cùng các lực lượng chức năng bắt quả tang 4 đối tượng đang có hành vi pha trộn, dùng xi-lanh tiêm tinh dầu chứa ma túy vào thuốc lá điện tử "ampire chill" tại kho ở xã Phương Nhị (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Tang vật gồm hơn 3.500 điếu thuốc lá thành phẩm đã được bơm tinh dầu có chứa chất ma túy, 5 can nhựa chứa 84 lít dung dịch ma túy, 1 máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp... Ngoài ra, công an còn thu giữ gần 15.000 điếu thuốc lá điện tử chứa tinh dầu vị được các đối tượng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam chờ bán ra thị trường.

Nói về tội phạm này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục C04, cho biết ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước, nhưng thời gian gần đây, tình trạng này đang trở nên hết sức phức tạp, đặc biệt là ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, nước uống như cà phê, nước trái cây... Ma túy thường được đóng trong những gói cà phê, trà thảo mộc có bao bì hấp dẫn, bắt mắt, mỗi gói 15 g, mùi vị quyến rũ, thơm ngon để nhắm tới nhóm khách hàng tiềm năng hiện nay là giới trẻ.

"Thời gian qua, lực lượng công an các địa phương đã tập trung đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển các loại thức ăn, đồ uống, sản phẩm chứa ma túy. Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng còn có xu hướng tự tìm công thức trên mạng rồi mua các nguyên liệu ở nước ngoài về gia công, sản xuất với số lượng lớn. Thủ đoạn hoạt động của chúng ngày càng tinh vi" - Thiếu tướng Quang nhấn mạnh.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn ma túy mới

Thời gian gần đây, liên tiếp các học sinh ở một số tỉnh, thành đã ăn kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ phải nhập viện điều trị khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng vì nghi thực phẩm có ma túy. Cụ thể, ngày 29-11, 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã mua, chia nhau ăn một loại kẹo vỏ màu xanh, in chữ nước ngoài. Sau khi ăn xong khoảng 45 phút, các em thấy mệt, đau đầu, buồn nôn nên được đưa đi cơ sở y tế kiểm tra.

Tại Quảng Ninh, chiều 27-11, 29 học sinh Trường THCS-THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu) mua loại kẹo có chữ nước ngoài, không có tem phụ đề tiếng Việt ở một tạp hóa gần cổng trường đem vào lớp chia nhau ăn. Tối cùng ngày, những học sinh đã ăn kẹo (ở nội trú) có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tê môi nên được nhà trường đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi sức khỏe...

Cơ quan chức năng đưa các thực phẩm nêu trên đi giám định. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) của 2 tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục khẩn trương thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền đến các phụ huynh, quán triệt học sinh không mua đồ ăn vặt không có nguồn gốc xuất xứ; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường nếu bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Các đơn vị, trường học chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phát hiện cơ sở buôn bán quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc và báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1, TP HCM), cho hay hằng năm, nhà trường đều có quy chế phối hợp với công an để bảo đảm an ninh, an toàn trước cổng trường học, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng rong, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền đến học sinh dưới nhiều hình thức, căng - tin trường học cũng được kiểm tra, giám sát thường xuyên nên không dám bán những thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc...

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết: "Hiện nay, trong các chương trình giáo dục chính khóa cũng như ngoại khóa, các trường đã và đang làm rất tốt công tác phòng chống ma túy trong trường học. Từ đó giúp người dạy và người học nhận thấy được những hệ lụy khôn lường khi người trẻ sử dụng ma túy, thuốc lá...".

Theo ông Dũng, công tác phòng chống ma túy, thuốc lá trong trường học hiện nay phải bám sát thực tế của từng đối tượng người học. Nhà trường chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tệ nạn ma túy trong trường học. Trong mỗi trường học, các thầy cô cần nắm được hoàn cảnh của từng học sinh để từ đó tập trung chăm lo cũng như giáo dục các em có nguy cơ cao như: Học sinh có bố, mẹ đi làm ăn xa hoặc có liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, học sinh cá biệt, nghiện game... nhằm giúp các em không bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường mua bán hoặc sử dụng ma túy. Nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, học viên; kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên việc sử dụng ma túy và xét nghiệm đột xuất khi có dấu hiệu nghi ngờ về sử dụng ma túy đối với học sinh, học viên, sinh viên nhằm rà soát, phát hiện việc sử dụng, tàng trữ các chất ma túy hoặc gây nghiện khác.

Để phòng ngừa loại ma túy mới tấn công giới trẻ, đại diện Cục C04 cho hay C04 đã phối hợp với Bộ GD-ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh, sinh viên, thanh niên về hiểm họa ma túy. 

Rất nguy hiểm, gây tác hại khôn lường

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trung tâm tiếp nhận không ít trường hợp ngộ độc ma túy tổng hợp do hút thuốc lá điện tử và sử dụng các thực phẩm trôi nổi như: Đồ uống, bánh kẹo... "Đáng chú ý, gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc lá điện tử với các triệu chứng như: Mơ hồ, rối loạn ý thức, kích động, hôn mê... Đây là loại ma túy thế hệ mới nên việc chẩn đoán, phát hiện chất ma túy rất khó khăn. Hiện nay, chỉ có một vài phòng thí nghiệm ở nước ta mới phát hiện được chất ma túy này. Có những bệnh nhân có các dấu hiệu đặc trưng của ngộ độc ma túy nhưng xét nghiệm lại âm tính bởi chất ma túy mới này hệ thống xét nghiệm chưa thể phát hiện được" - bác sĩ Nguyên nói.

Nam học sinh bị ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh Ảnh: NGỌC DUNG

Nam học sinh bị ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh Ảnh: NGỌC DUNG

Bác sĩ Nguyên lưu ý ma túy không chỉ xuất hiện dưới các dạng truyền thống như: Dạng viên, bột, tem mà có nhiều loại ma túy mới xuất hiện được trộn vào nhiều loại thuốc lá điện tử, thực phẩm, đồ ăn, thức uống như trà sữa, nước giải khát, nấm khô...

Gần đây, một số loại ma túy mới mang tên "nước vui", "nước sướng" "trà sữa", "đông trùng", "nước xoài"... cũng được phát hiện ở nhiều địa phương. Đây là loại ma túy nguy hiểm, gây ảo giác mạnh, loạn thần, ức chế trung tâm thần kinh vận động và hô hấp, lú lẫn, co giật, hôn mê. Giới chuyên môn cảnh báo nếu những sản phẩm này được tiêu thụ ở các trường học hay những khu vui chơi thì sẽ rất nguy hiểm, gây tác hại khôn lường. Bởi lẽ, độc tính của ma túy gây ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, cơ, thận, đa cơ quan khiến người dùng ma túy bị sa sút trí tuệ, kích thích, lơ mơ, lẫn lộn, tâm thần hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy hô hấp... thậm chí tử vong.

Liên quan đến cảnh báo trẻ ngộ độc do ăn "kẹo lạ", bác sĩ Nguyên cho hay trẻ bị ngộ độc có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, thậm chí sốt do nhiễm khuẩn, một số trường hợp bị tiêu chảy, gây mất nước. Ngoài ra, với trẻ sử dụng chất gây nghiện có các biểu hiện thường xuyên chán nản, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, dễ cáu giận, học hành sa sút... Trẻ thu hẹp giao tiếp với thầy cô, bạn bè do mất khả năng hòa nhập với cuộc sống. Cha mẹ khi thấy con có các dấu hiệu như trên cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

N.Dung


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo