Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận cứu chữa một người đàn ông (64 tuổi, ở Bắc Giang) bị suy gan do uống uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân được phát hiện viêm gan B cách đây 30 năm và thuốc kháng virus 3 năm. 5 tháng trở lại đây, ông uống thuốc nam để điều trị viêm gan B.
Tiền mất tật mang
Trước khi vào viện, bệnh nhân biểu hiện sự mệt mỏi, vàng da tăng dần, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm. Tại thời điểm được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ xác định đã bị suy gan cấp - xơ gan - viêm gan B mạn, tiên lượng rất nặng, nguy cơ hôn mê gan.
Một trường hợp khác (63 tuổi, ở Hà Nội) được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa tiểu đường rất tốt nên mua 20 gói với giá 10 triệu đồng về uống. Sử dụng được gần 20 ngày thì bị đau bụng, nôn mửa, được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết kết quả xét nghiệm viên thuốc nam mà bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ vì độc tính rất cao gây tử vong nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970. Tuy nhiên, nhiều người đã trộn loại chất bị cấm này vào trong các thuốc chữa tiểu đường dỏm, mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường gây ngộ độc. Nhiều người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch tính mạng do ngộ độc chất phenformin, thậm chí có người đã tử vong.
Trước đó, Trung tâm Da liễu Dị ứng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã cứu chữa bệnh nhân Ng.V.V (74 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng hoại tử da lan tỏa, ngứa nhiều, sốt cao, hạ bạch cầu, tăng men gan sau khi mua một loại thuốc đông y trên mạng không rõ nguồn gốc về bôi trị ngứa 2 lòng bàn tay. Một nữ bệnh nhân khác (50 tuổi, ở Bắc Giang) cũng gặp họa sau 10 ngày sử dụng thuốc dạng viên hoàn đông y mua trên mạng về trị bệnh khớp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, rải rác da tứ chi nổi các rát đỏ, mu tay có bọng nước, kèm theo miệng, môi viêm trợt chảy máu, đau rát, ăn kém, niêm mạc mắt xung huyết, rỉ dịch.
Gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Long An cũng vừa cứu kịp ông P.V.P (63 tuổi, ngụ Long An) bị ngộ độc thuốc được cho là "thuốc gia truyền" trị tiểu đường. Người nhà cho hay ông P. uống thuốc tây trị tiểu đường nhiều năm. Người quen giới thiệu loại "thuốc gia truyền" giảm đường huyết nên mua về sử dụng và xảy ra ngộ độc. Theo ThS-BS Vũ Mạnh Nhân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Long An, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm toan lactic nặng do ngộ độc chất cấm phenformin. Sau khi tiến hành lọc máu cấp cứu lấy chất độc, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Cảnh giác với quảng cáo trên mạng
PGS-TS Đậu Xuân Cảnh - nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - cho biết ông từng điều trị cho không ít trường hợp bệnh nhân chữa bệnh xương khớp nhưng lại mắc thêm bệnh do sử dụng quá liều thuốc chứa corticoid hoặc dùng thuốc đông y trộn lẫn thuốc tây mà không biết. Nhiều người cho rằng cứ hết đau nghĩa là khỏi bệnh nên khi các cơn đau xuất hiện thì lại tìm kiếm các sản phẩm giúp giảm đau nhanh để chữa trị mà không biết đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho khớp bị thoái hóa ngày càng nặng. "Hiện nay có nhiều sản phẩm chỉ tập trung giải quyết cơn đau, thậm chí là thuốc đông dược tưởng chừng an toàn nhưng lại trộn lẫn corticoid để che lấp triệu chứng, xua tan cơn đau của người bệnh. Nhiều người phải chịu tác dụng phụ khi lạm dụng corticoid hoặc dùng phải thuốc đông y trộn chất này. Corticoid là chất nếu sử dụng nhiều sẽ gây rối loạn chuyển hóa, tích nước, teo tuyến thượng thận, teo cơ, đái tháo đường, loãng xương, nguy cơ huyết khối, khi sử dụng cần chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc" - PGS Cảnh cảnh báo.
Bác sĩ Vũ Văn Đại, Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết với quan niệm thuốc đông y làm từ thảo dược, lành tính nên người bệnh có xu hướng tự dùng thuốc kéo dài mà không có sự kiểm soát của thầy thuốc, dẫn đến phụ thuộc thuốc, nghiện thuốc, tổn thương gan, thận cùng các cơ quan khác. Việc tự ý mua và sử dụng các loại đông dược xuất xứ không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng và chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành đã khiến không ít người bị ngộ độc, suy gan, suy thận, thậm chí tử vong... Điển hình như những người bệnh xương khớp (thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm khớp dạng thấp…) thường có xu hướng dùng các thuốc đông y kéo dài. Trong thành phần một số thuốc đang rao bán trên thị trường có chứa các loại thuốc giảm đau, chống viêm (corticoid), làm thuyên giảm cơn đau nhanh, khiến nhiều người lầm tưởng thuốc có hiệu quả cao.
Trước vấn nạn quảng cáo thuốc đông y tràn lan trên mạng xã hội, thổi phồng công dụng khiến nhiều người bị lừa, các chuyên gia lưu ý dù thuốc nam có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh, song các bệnh mãn tính không thể chữa khỏi bằng thuốc nam. Vì vậy, người dân không nên chạy theo quảng cáo như "thần dược". "Nếu tin dùng thuốc đông y, phải tìm hiểu cặn kẽ xem cơ sở mình định sử dụng sản phẩm có được cấp phép kinh doanh về bài thuốc và bản thân lương y ấy có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không" - PGS Cảnh cho biết.
Đừng tin quảng cáo thuốc trên mạng xã hội
Giới chuyên môn lưu ý người bệnh tuyệt đối chớ nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn hay tin những quảng cáo trên mạng xã hội, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị, làm các biến chứng ngày càng nặng nề và có thể nhiễm lactic nguy hiểm chết người. Đối với bệnh mạn tính nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, việc dùng thuốc phải hết sức thông minh và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, sống vui khỏe, lạc quan cùng bệnh…
Bình luận (0)