Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, nhiều cầu treo trên địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An đã hư hỏng, xuống cấp.
Vừa đi vừa run
Như cầu treo sông Giăng, còn gọi cầu treo chợ Chùa, nằm trên Quốc lộ 46C bắc qua sông Giăng, nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Cây cầu này được đưa vào sử dụng năm 1987, dài 120 m. Đây là cây cầu dân sinh quan trọng, kết nối 10 xã vùng Cát Ngạn với trung tâm huyện nên hằng ngày có hàng chục ngàn phương tiện, người dân qua lại. Qua gần 40 năm sử dụng, cây cầu hiện đã xuống cấp.
Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến phần mố neo đầu cầu bê- tông bị nứt nẻ, bong tróc, hệ thống cáp treo, lan can, mặt cầu cũ kỹ, nhiều vị trí đã bị gỉ sét. Mỗi lần xe tải chở nặng đi qua, cây cầu rung lắc mạnh. Do cầu quá yếu, cơ quan chức năng đã cho cắm nhiều biển cảnh báo ở 2 đầu cầu và dựng hàng rào cọc tiêu để hạn chế xe tải lớn qua cầu.
"Cầu yếu, mỗi lần đi qua mà gặp lúc có ô tô cùng đi, cây cầu rung lắc mạnh thì trống ngực đập thình thịch, run lắm, cứ sợ cầu sập xuống sông" - ông Trần Văn Hải (trú xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương) lo lắng chia sẻ.
Theo người dân ở đây, khoảng tháng 10-2020, một ô tô chạy tốc độ cao làm cầu sông Giăng rung lắc mạnh khiến chiếc ô tô tông vào xe máy chạy ngược chiều, cả 2 phương tiện rơi xuống sông, 5 người thiệt mạng. Sau vụ tai nạn thảm khốc này, các cơ quan chức năng đi kiểm tra, kết luận cầu treo sông Giăng đã hư hỏng nghiêm trọng, cần xem xét xây dựng cầu thay thế.
Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, thừa nhận cây cầu treo xuống cấp không những đe dọa sự an toàn của người dân mỗi khi qua cầu mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Yêu cầu các địa phương kiểm tra, báo cáo
Ngoài cầu treo sông Giăng ở huyện Thanh Chương, tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An cũng còn những cây cầu treo xuống cấp. Điển hình ở huyện biên giới Kỳ Sơn, cầu treo Xốp Nhị (xã Hữu Lập) được đưa vào sử dụng từ năm 1984, nay bị hư hỏng, thanh lan can, trụ, dầm, dây cáp có dấu hiệu gỉ sét.
Thế nhưng, hằng ngày cây cầu treo này vẫn phải oằn mình "cõng" lượng lớn phương tiện, người dân qua lại. Tại các địa phương khác như huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông…, nhiều cây cầu treo xuống cấp, có nguy cơ đổ sập khiến người dân bất an mỗi khi buộc phải qua cầu.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Nghệ An có 70 cầu treo. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải và Chi cục Quản lý đường bộ 2 - Cục Đường bộ Việt Nam quản lý 2 cầu treo, 68 cầu còn lại do các huyện quản lý.
Nhiều cầu treo trong số này do sử dụng lâu năm, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người và phương tiện tham gia giao thông, trở thành nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Ông Nguyễn Trọng Quang, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông - Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An, thông tin do xây dựng từ nhiều năm, tỉnh lại gặp khó khăn về kinh phí, kỹ thuật trong việc bảo trì, sửa chữa nên một số cầu treo ở các địa phương có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.
Hiện phòng đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình cầu treo, kịp thời phát hiện hư hỏng để sửa chữa. Khi phát hiện tình trạng hư hỏng, yêu cầu chủ đầu tư phải thuê các đơn vị có năng lực chuyên môn kiểm định, đưa ra giải pháp xử lý phù hợp nhằm bảo đảm an toàn giao thông và tuổi thọ công trình.
Điều tra vụ sập cầu treo bắc qua sông Hiếu
Ngày 6-3-2024, cầu treo Kẻ Nính dài gần 250 m, bắc qua sông Hiếu, ở xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, được đầu tư xây dựng với kinh phí 24 tỉ đồng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được 10 năm bất ngờ đổ sập xuống sông.
Sự cố không gây thiệt hại về người nhưng toàn bộ cây cầu bị hư hỏng, biến dạng. Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự việc.
Bình luận (0)