Tại Hội nghị lần thứ 10 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đồng thời giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.
Gần 20 năm "thai nghén"
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã trải qua 4 lần lập báo cáo nghiên cứu, trải dài trong gần 20 năm qua. Báo cáo nghiên cứu đầu tiên về đường sắt tốc độ cao được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) lập trong giai đoạn 2005 - 2008, trong đó ưu tiên triển khai 2 đoạn Hà Nội - Hà Tĩnh và TP HCM - Nha Trang. Từ bản nghiên cứu của KOICA, đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được xác định sẽ là đường đôi, khổ ray 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ (tốc độ khai thác thực tế 300 km/giờ).
Lần lập báo cáo thứ 2 diễn ra trong giai đoạn 2008 - 2009 với đơn vị lập là liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), chủ đầu tư là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Bản báo cáo này xác định đầu tư toàn tuyến từ Hà Nội đến TP HCM với chi phí 55,8 tỉ USD. Vào tháng 3-2010, báo cáo của VJC đã vượt qua vòng phê duyệt của Hội đồng Thẩm định Nhà nước và được Bộ Chính trị tán thành. Tháng 5-2010, dự án được trình ra trước Quốc hội. Tuy nhiên, trong số 439 đại biểu Quốc hội có mặt, chỉ có 185 đại biểu tán thành, 208 đại biểu không tán thành, 34 đại biểu không biểu quyết. Số phiếu tán thành dưới 50%, Quốc hội đã không thông qua dự án.
Từ năm 2011 - 2013, Chính phủ tiếp tục triển khai nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Báo cáo nghiên cứu thứ 3 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập. Tương đồng với 2 bản báo cáo trước, báo cáo của JICA tiếp tục xác định xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, điện khí hóa, khổ ray 1.435 mm, chỉ khai thác tàu khách.
Đến năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, lập đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, trình Quốc hội báo cáo chủ trương đầu tư trước năm 2020. Năm 2017, Bộ GTVT giao liên danh tư vấn Tedi - Tricc - Tedi South lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tháng 2-2019, kết quả nghiên cứu tiền khả thi của liên danh tư vấn đã hoàn thành. Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP HCM sẽ có chiều dài 1.545 km, khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa, đi qua 20 tỉnh, thành với 23 nhà ga. Tốc độ chạy tàu theo thiết kế là 350 km/giờ, tốc độ khai thác là 320 km/giờ, tập trung chở khách và hàng hóa nhẹ. Tổng mức đầu tư là 58,71 tỉ USD.
Dù vậy, do phát sinh nhiều bất đồng giữa bên lập báo cáo tiền khả thi và bên thẩm tra, dự án lại đi vào bế tắc. Mãi đến ngày 11-7-2024, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp bàn triển khai dự án. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu tư vấn lập dự án hoàn thiện lại báo cáo tiền khả thi, có tiếp thu Kết luận 49 và một phần các góp ý của tư vấn thẩm tra.
Mới đây, Bộ GTVT đã trình Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam lên Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã đưa dự án này ra Trung ương thảo luận và được nhất trí. Đây là những bước tiến triển rất quan trọng của dự án.
Khát khao của người dân
Hiện nay, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, dự kiến khai mạc vào ngày 21-10 tới đây. Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ trước ngày 5-10.
Bộ GTVT dẫn nghiên cứu từ một số quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao phát triển cho thấy Nhật Bản quyết định đầu tư tuyến đường sắt đầu tiên năm 1950 khi GDP tính theo đầu người mới đạt khoảng 250 USD; Trung Quốc nhập cuộc năm 2005 khi GDP đầu người đạt 1.753 USD; Indonesia đầu tư năm 2015 khi GDP đầu người khoảng 3.322 USD. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỉ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP.
Theo Bộ GTVT, với dự kiến thời điểm triển khai xây dựng tuyến đường sắt cao tốc vào năm 2027, quy mô nền kinh tế khoảng 564 tỉ USD thì nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết ở vị thế và tiềm lực của Việt Nam hiện nay, thời điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao đã chín muồi. "Có đường sắt tốc độ cao là khát khao chính đáng mà bất cứ quốc gia, người dân nào cũng mong muốn để hạ tầng giao thông vượt lên một tầm cao mới, hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế" - ông Huy nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng đây là dự án vô cùng quan trọng về hạ tầng giao thông. Cơ sở chính trị của dự án này đã rõ khi Trung ương đã thống nhất chủ trương, giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các cơ quan Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án để trình Quốc hội. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh do nguồn vốn rất lớn nên cần đánh giá việc ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này như thế nào; khi ngân sách tham gia vào thì sẽ tác động đến nợ công ra sao...
Trong trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đức Chi khẳng định bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành để lên các phương án khác nhau, bảo đảm 2 mục tiêu: Thứ nhất là an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia; thứ hai là có phương án vốn khả thi để đáp ứng yêu cầu xây dựng dự án trên cơ sở đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương.
"Sau khi trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương, khi đó mới có số liệu cụ thể nguồn vốn từ đâu, phân kỳ đầu tư như thế nào" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Giá vé dự kiến bằng 75% vé máy bay
Theo dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, giá vé tính trên chặng Hà Nội - TP HCM được chia 3 mức, hạng nhất khoảng 6,9 triệu đồng; hạng hai là 2,9 triệu đồng và hạng ba là 1,7 triệu đồng. Mức này được đưa ra dựa trên cơ sở tham khảo giá vé bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet, dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông.
Dự kiến đầu tư 67,34 tỉ USD, hoàn thành năm 2035
Tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 1-10, đại diện Bộ GTVT thông tin chính thức về những nội dung chủ yếu trong dự án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, căn cứ ý kiến chỉ đạo, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền cũng như thông qua kinh nghiệm học tập quốc tế, tổ chức hội thảo..., Bộ GTVT đề xuất đầu tư dự án dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD, trung bình khoảng 43,7 triệu USD/km.
Về tiến độ, Bộ GTVT dự kiến đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025 - 2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến năm 2035, sớm hơn 10 năm so với Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Bộ GTVT kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công, từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc. Trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-10
Kỳ tới: Kế hoạch lớn của các ông "lớn"
Bình luận (0)