Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Sebastian Haas từ Đại học Washington (Mỹ) phát hiện hồ Last Chance nổi tiếng ở Mỹ là phiên bản tương tự của các hồ chứa đựng các thành phần tạo nên sự sống ban đầu trên trên Trái Đất 4 tỉ năm về trước.
Theo Live Science, hồ Last Chance là một hồ nước nông, cực kỳ mặn với thành phần hóa học khác thường, đặc biệt là nồng độ phosphat cao hơn 1.000 lần so với đại dương.
Phosphat là thành phần thiết yếu để tạo ra nucleotide (khối xây dựng của DNA và RNA) và các hợp chất hình thành sự sống khác, chẳng hạn như lipid (chất béo).
Mặc dù phosphat được liên kết trong mọi sinh vật sống nhưng bản thân hợp chất này lại rất khan hiếm trong tự nhiên.
Phosphat cũng đóng vai trò quan trọng trong sự khởi đầu của sự sống. Không những vậy, các mô hình trước đây cho thấy sẽ cần rất nhiều phosphat cho những phản ứng sinh hóa đầu tiên để các vật chất tiền sinh học có thể biến thành sự sống thực sự.
Vấn đề các môi trường hiếm hoi có phosphat tự nhiên ngày nay, nồng độ của hợp chất này thường rất thấp.
Ngoại lệ duy nhất là loại "hồ soda" như Last Change.
Hồ này được gọi là hồ soda nhờ hàm lượng natri và carbonat hòa tan cao, giúp mặt nước giống như một bồn đầy baking soda hòa tan.
Chính thành phần hóa học này cho phép hồ có nồng độ phosphae cao.
Bên cạnh đó, hàm lượng canxi và carbonat cao này có được là nhờ phản ứng giữa nước ngầm và đá núi lửa nằm bên dưới hồ.
Hồ Last Chance được hình thành sau kỷ băng hà cuối cùng (kết thúc 10.000 năm trước) vì kết quả định tuổi bằng đồng vị carbon phóng xạ cho thấy nó không quá 3.300 tuổi.
Mặc dù vậy, các điều kiện để hình thành hồ lại mô phỏng một cách kỳ lạ điều kiện ở nhiều hồ nước trên Trái Đất sơ khai, mà nhân loại đã tìm thấy bằng chứng thông qua các trầm tích cổ.
Nói cách khác, Last Change như một hồ nước "xuyên không" từ thế giới 4 tỉ năm trước, giải thích khúc mắc cuối cùng về vấn đề làm sao có được môi trường giàu phosphat trong chuỗi phản ứng sinh ra sự sống đầu tiên.
Theo nghiên cứu, hàng tỉ năm trước, những hồ nước tương tự có thể cũng đã tồn tại trên các hành tinh khác trong hệ mặt trời của chúng ta, bao gồm cả Sao Hỏa.
Và chắc chắn nếu chúng ta may mắn tìm thấy một hồ phosphat khác tồn tại ở một hành tinh nào khác, chúng ta có thể tiến gần đến việc tìm ra sự sống ngoài hành tinh.
Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học Communications Earth and Environment.
Bình luận (0)