Dù ở bất kỳ nơi đâu, đối với người Việt, Tết luôn là dịp đặc biệt, mang ý nghĩa đoàn viên, nhớ về nguồn cội.
Những ngày này tại Úc, kiều bào vẫn đi làm việc, buôn bán như những ngày bình thường, thời tiết ở thời điểm này là mùa hè. Thế nhưng, không khí đón Tết Giáp Thìn vẫn rất rộn ràng, vui tươi, mang đầy màu sắc truyền thống.
Úc là nơi có cộng đồng người Việt lớn, khoảng hơn 300.000 người và hàng chục ngàn sinh viên đang theo học, tập trung nhiều nhất tại 2 thành phố Sydney (bang New South Wales) và Melbourne (bang Victoria).
Tại Melbourne, bất chấp thời tiết thay đổi liên tục, có ngày lên đến 38 độ, có ngày chỉ 17-18 độ, cũng có khi nhiệt độ buổi trưa và chiều cách biệt nhau 20 độ, không khí Tết Việt và những hoạt động mừng Tết của cộng đồng người Việt vẫn diễn ra sôi nổi.
Không khí rộn ràng của ngày Tết len lỏi vào những cửa hàng tại các khu chợ người Việt. Điển hình tại Springvale, khu vực có số lượng người Việt sinh sống đông ở bang Victoria, nhiều cửa hàng trang trí Tết bằng đèn lồng đỏ, những gói quà được gói trong giấy bóng kính, buộc nơ cầu kỳ, gắn dòng chữ “Chúc mừng năm mới” đỏ rực. Bánh chưng, bánh tét, giò chả, củ kiệu, dưa món, hạt dưa, bánh mứt… đều được dán dòng chữ Tết. Cũng có gian hàng bán hoa chưng Tết, nhiều nhất là cúc vạn thọ.
Những gian hàng Tết luôn tấp nập người Việt vào mua. Tại chợ Springvale, ngày 24-25 Âm lịch (ngày cuối tuần) vừa qua đã tổ chức hội chợ cho cộng đồng người Việt mua sắm.
Được biết, hội chợ Tết được tổ chức luân phiên qua nhiều khu chợ người Việt ở Melbourne, như Saint Albans, Sunshine, Footscray, Richmond, Springvale, kéo dài khoảng 1 tháng trước Tết.
Tại hội chợ, ngoài các gian hàng bày bán băng đĩa, hoa Tết, các vật dụng gia đình, còn có khu ẩm thực với những món ăn đặc trưng của 3 miền, khu vui chơi với những trò chơi dân gian Việt Nam như đu quay, lô tô… Đặc biệt là màn múa lân đặc sắc luôn được người Việt và người dân địa phương ở đây náo nức đón chờ. Tất cả đã tạo nên không khí rộn ràng chào đón Tết Nguyên đán.
Ở Sydney, chợ Cabramatta phục vụ người Việt cùng các sắc dân khác với đủ các món ăn hương vị đặc trưng quê nhà như phở, bún bò, cơm gà, mì quảng, bánh mì, bánh đa…
Các gian hàng Tết đầy ắp nem rán, giò lụa, hạt dưa, hạt hướng dương, bao lì xì, trái cây các loại để bày mâm ngũ quả, bánh mứt, câu đối, đèn lồng.
Lạc vào khu chợ này, người ta có cảm giác như đang ở Việt Nam vì nhiều biển hiệu mang tên Việt Nam, như Cơm gà bà Nga Hội An, quán cơm Thanh Bình, phở Sài Gòn, bánh mì Việt Hoa… Đặc biệt, đi mỗi bước đều nghe thấy tiếng Việt. Dường như người Việt đến đây để thưởng thức hương vị Tết, gặp đồng hương hỏi thăm, chúc tụng nhau vào dịp năm mới.
Ngoài việc đi chợ và chuẩn bị đón Tết, người Việt ở Úc còn tham gia các hoạt động như: Đi lễ chùa để cầu bình an, thưởng thức cơm chay, đốt pháo, xem biểu diễn múa lân…
Trang phục phổ biến nhất của các bé gái và phụ nữ Việt là chiếc áo dài truyền thống. Chụp hình cùng gia đình trong chiếc áo dài truyền thống, bên cạnh những tiểu cảnh được tạo dựng mang dáng dấp làng quê Việt Nam đã giúp cho sự gắn kết với nguồn cội của những người con xa xứ thêm bền chặt, làm vơi bớt nỗi nhớ xa quê.
"Những ngày này, dù có nhiều hoạt động được tổ chức để những người con xa xứ được tề tựu bên nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện về quê nhà, những buồn vui trong năm qua nhưng thật sự tôi vẫn rất nhớ không khí Tết ở Việt Nam. Những ngày cận Tết, nhà nhà tất bật dọn dẹp, trang hoàng; ngoài đường người người hối hả mua sắm; rồi đường hoa, chợ hoa; cúng đưa ông Táo, tất niên... Nhớ thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, mọi người quây quần bên mâm cúng ông bà, đi lễ chùa, hái lộc mừng năm mới. Xa quê, những hồi ức đó trở thành nỗi nhớ khắc khoải trong tôi. Phải nói là rất thèm Tết Việt”- chị Lina Lam (Noble Park, Melbourne) chia sẻ.Với sinh viên Tăng Hoàng Tố Thư (du học sinh Úc), đây là cái tết đầu tiên xa nhà nên em đã khá hụt hẫng khi phải ăn Tết nơi đất khách vì bận lịch học.
"Đêm giao thừa ở Sydney, nhìn xuống đường phố thưa thớt người qua lại dưới đêm mưa, em chỉ ước có thể được bay về Việt Nam ngay để chúc mừng năm mới với ông bà, cha mẹ, được xem bắn pháo hoa qua khung cửa sổ chung cư của gia đình, được đi chùa xin lộc vào đêm giao thừa… Tết này phải chúc Tết người thân qua màn hình điện thoại, em mới thấm thía không gì hạnh phúc bằng Tết đoàn viên”- Tố Thư tâm sự.
Có thể nhận ra người Việt xa quê dù làm gì, ở đâu thì trong tim họ luôn có hình bóng quê nhà.
"Càng sống xa quê hương lâu năm, người Việt càng ý thức phải gìn giữ phong tục tập quán Việt Nam, từ trang phục, đến tiếng mẹ đẻ. Thế hệ trước nhắc nhở thế hệ sau để dù có ở đâu, dù cách xa quê hương vạn dặm, người Việt vẫn luôn tự hào với nguồn cội của mình”- anh Terry Nguyen (Melbourne) nói.
Bình luận (0)