Trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp nhiễm mới HIV, 1.263 người tử vong. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện, riêng TP HCM chiếm 24,3%.
Thông tin được PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết tại buổi họp báo nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, chiều 18-11.
Hơn 82% ca nhiễm HIV mới là nam giới
Theo bà Hương, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn bởi đây là nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV.
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam từ 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,5%; tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính, khi tăng từ 47,5% trong năm 2010 lên 70,8% (tính đến tháng 9-2024).
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%). Số người nhiễm từ 15 -29 tuổi tăng từ 32% năm 2016 lên 39,4% năm 2024.
Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm tình dục đồng giới nam (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022.
Các năm gần đây, nhóm MSM liên tục chiếm tỉ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (trên 40%). Dự báo MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.
Thí điểm sử dụng thuốc PrEP dạng tiêm
Các chuyên gia về HIV/AIDS nhận định dịch HIV tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn dịch gia tăng, việc mở rộng điều trị PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV) trên toàn quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu. PrEP có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khoảng 99%.
Ngành y tế đang cập nhật các thuốc mới, đồng thời mở rộng độ bao phủ điều trị PrEP dạng viên và tới đây sẽ thí điểm sử dụng thuốc PrEP dạng tiêm. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% người có hành vi nguy cơ cao (tương đương 72.000 người) sử dụng PrEP.
Các chuyên gia khuyến cáo người chưa nhiễm HIV thuộc các nhóm nguy cơ cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy... dùng PrEP bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngừa bệnh.
Chương trình Tháng hành động năm nay chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".
Ông Raman Hailevich, Giám đốc quốc gia UNAIDS tại Việt Nam cho biết ước tính của UNAIDS cho thấy số ca nhiễm mới HIV ở Việt Nam đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. Mức giảm này vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới. Tuy nhiên, với khoảng 1/3 số nhiễm HIV mới ở Việt Nam là người trẻ trong độ tuổi từ 15-24. Đại diện UNAIDS cho rằng việc kỳ thị và phân biệt đối xử, sự thiếu hiểu biết về HIV sẽ là khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Bình luận (0)