Tại hội nghị mới đây về khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cả năm khoảng 7%. Trước đó, ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy tốc độ tăng GDP năm nay có thể giảm 0,15 điểm %.
Thủy sản, du lịch thiệt hại nặng nề
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, nhiều điểm đến trọng điểm ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang... sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế từ tháng 9 này đến tháng 4 năm sau, cũng như không thu hút được khách trong nước. Nhóm doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của bão, lũ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 khiến phần lớn cửa kính của các khách sạn, nhà hàng ven biển bị vỡ nát, chưa kể nhiều thiệt hại khác. Chị Hoàng Hiền, chủ chuỗi homestay Mơ (TP Hạ Long), cho biết cơ sở của chị tuy không bị thiệt hại lớn về cơ sở vật chất nhưng một thời gian nữa mới có thể đón khách trở lại do bị mất điện, nước và internet suốt hơn 1 tuần qua. Chưa kể, cảnh quan Hạ Long đã bị tàn phá nặng nề nên du khách sẽ không được thưởng thức cảnh đẹp trong khi chi phí ăn uống bị đội lên so với bình thường.
Bão số 3 đi qua cũng khiến trang trại nuôi biển và trải nghiệm của Công ty CP Tập đoàn STP (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) bị hỏng hóc hạ tầng và thiệt hại vật nuôi (cá, hàu, rong biển) với tổng cộng gần 10 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc công ty, cho biết đang nỗ lực khắc phục thiệt hại để khôi phục hoạt động của trang trại một cách nhanh nhất. "Ngay sau bão, chúng tôi đã đi thu vớt các lồng nuôi bị sóng đánh ra biển thông qua thiết bị định vị. Chúng tôi cũng thiết kế gói tài chính hỗ trợ ngư dân Quảng Ninh, Hải Phòng mua trả góp hệ thống lồng nuôi, giàn nổi, phao nổi sau khi mất tất cả cơ nghiệp" - bà Bình cho hay.
Công ty CP Tập đoàn STP đề xuất các ngân hàng (NH) xem xét giảm lãi suất trần nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, góp phần giảm áp lực tài chính. Đồng thời, gia hạn thời gian trả tiền gốc 6 - 9 tháng đối với hợp đồng tín dụng hiện có, đặc biệt là các khoản vay đến hạn trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 12-2024. Song song đó, hỗ trợ các khoản vay mới đối với DN lĩnh vực nông - lâm - thủy sản nhằm giúp DN khôi phục cơ sở hạ tầng, tái sản xuất.
Đại diện cộng đồng DN, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiến nghị NH Nhà nước xem xét triển khai gói tín dụng mới để người dân, DN có thể đầu tư lại trang thiết bị, cơ sở vật chất. Đồng thời, cần chính sách tài khóa phù hợp, chẳng hạn hỗ trợ về thuế. "Điều này sẽ giúp các DN không phải đau đáu chuyện lo trả nợ trong thời điểm đang nỗ lực khôi phục sản xuất, bảo đảm thu nhập và việc làm cho người lao động" - Phó Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Giải pháp hỗ trợ tổng lực
Để kịp thời hỗ trợ người dân và DN, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng cần tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, xem xét miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Mở rộng phạm vi, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; hoãn thu hồi nợ; miễn, giảm lãi vay. Ban hành các gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch. Đặc biệt là nghiên cứu gói chính sách hỗ trợ với lãi suất 0% cho DN, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng.
Bộ KH-ĐT cũng đề xuất bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách tại NH Chính sách xã hội. Trường hợp cần thiết có thể đề xuất Thủ tướng cho phép bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 - 2025 cho NH Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời, kiến nghị xuất cấp không thu tiền giống cây trồng, vật nuôi cho cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, HTX để tái đàn, tái vụ. Hỗ trợ khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistics, kho bãi bị hư hỏng để không bị gián đoạn chuỗi cung ứng; cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị thực hiện quy trình đầu tư đối với các dự án bị ảnh hưởng bởi thiên tai như đối với các dự án khẩn cấp; huy động vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức), vốn vay ưu đãi, thực hiện theo cơ chế hòa vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ ngay cho các địa phương bị ảnh hưởng.
Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính ngày 16-9 cho biết đã có văn bản gửi cục thuế các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, yêu cầu giải quyết nhanh chóng các vấn đề, thủ tục liên quan xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, DN.
Ngân hàng vào cuộc
NH Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, NH Nhà nước chi nhánh 36 tỉnh miền Trung và miền Bắc chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời hỗ trợ.
Đến nay, hàng loạt NH đã đồng loạt triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Có động thái đầu tiên là NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) với chính sách giảm 0,5 điểm % lãi suất từ ngày 6-9 đến 31-12 cho 20.000 khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tổng dư nợ khoảng 130.000 tỉ đồng.
Tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Tổng Giám đốc Phùng Thị Bình cho biết ngay từ tuần này, NH sẽ giảm lãi suất 0,5 - 2 điểm % trên lãi suất đang áp dụng cho khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này có khoảng 12.000 khách hàng của Agribank bị ảnh hưởng với dư nợ ước khoảng 21.000 tỉ đồng. "Với khách hàng đang có dư nợ, không may bị mất hết tài sản nhưng muốn tiếp tục vay mới, NH hoàn toàn có quyền cho vay không có tài sản bảo đảm, với điều kiện có cơ sở về nguồn thu của khách hàng. Mức vay và thời hạn vay sẽ dựa trên tình hình cụ thể của từng đối tượng" - bà Phùng Thị Bình thông tin.
Mới đây nhất, NH Bản Việt (BVBank) cho biết sẽ giảm lãi suất vay đến 2 điểm %, đồng thời cơ cấu nợ, gia hạn thời gian trả lãi, gốc cho khách hàng hiện hữu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão, lũ.
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính - ngân hàng:
Thiết kế gói vay lãi suất 0% khả thi, hiệu quả
Liên quan yêu cầu nghiên cứu gói lãi suất 0%, cần tính đến phương pháp thực thi như thế nào để chính sách này đi vào cuộc sống, bởi trước nay đã có nhiều gói hỗ trợ nhưng hiệu quả chưa cao. Để được hưởng lãi suất ưu đãi, DN cần thông báo tình hình thiệt hại và đề nghị chính quyền địa phương xác nhận. NH cần ghi nhận thực tế, đánh giá mức độ thiệt hại của DN, trên cơ sở đó xác định đúng đối tượng cho vay.
Về cơ chế và cách thức triển khai, nên sử dụng nguồn vốn ngân sách và thực thiện theo 2 phương án. Phương án 1, nhà nước cấp vốn; NH thẩm định cho vay, trung chuyển vốn đến DN và thu hồi vốn. Nếu DN không trả nợ thì NH không phải chịu trách nhiệm, khoản nợ đó không tính vào nợ xấu. Phương án 2, để NH có trách nhiệm với khoản vay, sau khi giải ngân, nhà nước chuyển ngay chi phí kinh doanh và các chi phí khác. Ở phương án này, NH phải chịu trách nhiệm về nợ xấu.
PGS-TS PHẠM THẾ ANH, Trưởng Khoa Kinh tế - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
Mục tiêu tăng trưởng 7% là thách thức không nhỏ
Giải pháp trước mắt là Chính phủ cần phân bổ nguồn ngân sách hỗ trợ của trung ương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân bổ nguồn ủng hộ của người dân tới các địa phương chịu thiệt hại, từ đó các địa phương đưa nguồn hỗ trợ kịp thời đến đúng đối tượng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh chi trả quyền lợi bảo hiểm đối với công trình hạ tầng, trang thiết bị hư hỏng để tái thiết sản xuất.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm nay sẽ trở nên thách thức hơn nhưng không có nghĩa là không làm được. Những vùng, địa phương là đầu tàu kinh tế không chịu ảnh hưởng bởi bão lũ cần nỗ lực trong những tháng còn lại. Chính phủ cũng cần tăng chi tiêu đầu tư công, trọng tâm là khôi phục hạ tầng ở các vùng bị ảnh hưởng; đồng thời triển khai nhiều chương trình kích cầu.
Bình luận (0)