Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, đến sáng 18-9, ngoài thiệt hại về người rất nhiều lĩnh vực khác bị thiệt hại nặng nề do bão số 3. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, từ chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt đến lâm nghiệp thiệt hại rất lớn.
Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt, 312.000 ha diện tích trồng trọt bị ngập lụt, gãy đổ, trong đó, ước tính hơn 100.000 ha sẽ bị mất trắng; 3.763 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 22.514 con gia súc, 3.024.142 con gia cầm bị chết. Ước tính về kinh tế, riêng diện tích trồng lúa hơn 200.000 ha bị ngập úng, gây thiệt hại khoảng 3.000 tỉ đồng…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết ngành nông nghiệp đã kiểm tra thực tế thiệt hại cùng với các địa phương, đồng thời kêu gọi sự chung tay từ các doanh nghiệp để phối hợp hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất. "Bộ NN-PTNT hỗ trợ trên tinh thần quyết liệt, nhanh chóng và kịp thời nhất giúp người dân mau chóng phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống" - ông Trung nhấn mạnh.
Về cơ chế chính sách, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết bộ sẽ tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp trước rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Nghị định này ban hành có ý nghĩa quan trọng, giúp các địa phương, người dân có nguồn lực khôi phục, tái tạo sản xuất nông nghiệp.
Về Nghị quyết 143 của Chính phủ, Bộ NN-PTNT kiến nghị các giải pháp hỗ trợ cần sớm được triển khai, bảo đảm hỗ trợ nhanh nhất tới người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão và mưa, lũ; trong đó thực hiện nhanh chóng về hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, cấp vốn vay mới với lãi suất ưu đãi.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, ngoài tổng số tiền mặt 13 triệu USD, Bộ NN-PTNT đã tiếp nhận hơn 200 tấn hàng hóa theo các chuyến chuyên cơ khẩn cấp từ Mỹ, Thụy Sĩ, Anh, Ấn Độ… Những kiện hàng với đủ các đồ dùng thiết yếu như thiết bị nhà bếp, y tế, trường học, thiết bị cứu trợ khẩn cấp như nước sạch, lều bạt, thiết bị sửa chữa… đã được kịp thời triển khai tới các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, ưu tiên của ngành nông nghiệp hiện nay là phục hồi sản xuất một cách sớm nhất để bảo đảm sinh kế cho người dân.
Bình luận (0)