Đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên bày tỏ sự trân trọng đối với những lá cờ Tổ quốc, phần hỗ trợ kinh phí mà Báo Người Lao Động trao tặng; khẳng định sẽ sử dụng thiết thực, đúng đối tượng
Chiều 7-11, tại Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Báo Người Lao Động phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng 2.000 lá cờ của chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc"; 50 triệu đồng từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" và 200 triệu đồng từ chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" đến chính quyền, người dân và chiến sĩ tỉnh Thái Nguyên.
Hỗ trợ tái thiết sau bão lũ
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Ngô Xuân Tình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên; nhà báo Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; ông Nguyễn Huy Thiêm, Giám đốc khối truyền thông Công ty CP Him Lam...
Phát biểu tại chương trình, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân bày tỏ xúc động khi đoàn công tác của báo đã đến và thực hiện chương trình ý nghĩa trên vùng đất anh hùng, nhất là tại Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Tô Đình Tuân thông tin trong hơn 5 năm qua, các nhà báo, thành viên công tác xã hội của Báo Người Lao Động được Ban Biên tập giao nhiệm vụ thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" đã không quản khó khăn, gian khổ, lên rừng xuống biển, đến nhiều vùng miền xa xôi của đất nước để trao tặng cờ Tổ quốc. Đến nay, hơn 320 sự kiện trên cả nước đã được tổ chức, qua đó trao tặng hơn 2,1 triệu lá cờ Tổ quốc đến các tỉnh, thành phố.
Tháng 9-2024, trước tình hình các tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề bởi bão số 3 và mưa lũ, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã phát động chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" nhằm kêu gọi bạn đọc, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng. Trong thời gian ngắn sau khi phát động, báo đã nhận được số tiền ủng hộ hơn 13 tỉ đồng. Với số kinh phí này, báo đã kịp thời chuyển hỗ trợ khẩn cấp nhiều trường hợp và đang liên lạc với chính quyền, Ủy ban MTTQ các địa phương để hỗ trợ thực hiện các công trình tái thiết sau bão lũ.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khẳng định những lá cờ từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" tuy có giá trị vật chất không lớn nhưng mang đầy ý nghĩa khi góp phần bồi đắp niềm tự hào của người dân về truyền thống đất nước, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia từ biển khơi đến đất liền.
Với những suất hỗ trợ kinh phí học tập từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo", ông Tô Đình Tuân mong muốn các em học sinh tỉnh Thái Nguyên nhận được phần quà sẽ nỗ lực phấn đấu hơn để trở thành con ngoan trò giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Với số kinh phí từ chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương", lãnh đạo Báo Người Lao Động mong chính quyền tỉnh Thái Nguyên và các ngành chức năng sẽ sử dụng hiệu quả, thiết thực, đúng đối tượng để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn những tấm lòng
Em Đặng Khánh Chi, học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Tân Thái, đến dự chương trình từ rất sớm với bộ quần áo đồng phục. Bố mẹ Chi là nông dân nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, song em luôn là học sinh khá, giỏi từ lớp 1 đến nay.
Chi không khỏi vui mừng khi cách đây ít hôm, nhà trường thông báo em được nhận hỗ trợ từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo". "Em cảm ơn Báo Người Lao Động và hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô" - Chi xúc động.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Ngô Xuân Tình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, trân trọng cảm ơn Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Người Lao Động cùng bạn đọc của báo và các đơn vị đồng hành đã trao những phần quà vô cùng ý nghĩa đến chính quyền và nhân dân tỉnh. Ông Tình cũng bày tỏ xúc động khi biết Báo Người Lao Động đã đứng ra kêu gọi sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên cả nước để có nguồn kinh phí trao tặng, hỗ trợ địa phương và học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ông đánh giá cao hành trình, kết quả và ý nghĩa của chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" mà báo đã thực hiện hơn 5 năm qua.
Ông Ngô Xuân Tình cho hay bão số 3 đã đi qua được 1 tháng nhưng hậu quả để lại vẫn khiến người dân Thái Nguyên chưa thể nguôi ngoai. Cơn bão khiến 9/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh bị ảnh hưởng; 69/177 xã, phường, thị trấn bị ngập hoàn toàn; 8 người chết; 538 nhà và 93 điểm trường bị hư hỏng; gần 11.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm, cây trồng hằng năm và 650 ha rừng bị thiệt hại; 384.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 850 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, hậu quả của bão lũ đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trên địa bàn; gây nguy cơ tái nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, bão lũ còn ảnh hưởng đến kết quả đạt được của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngay khi thiên tai qua đi, tỉnh Thái Nguyên đã huy động tổng lực khắc phục hậu quả, giúp người dân dần ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất - kinh doanh.
"Với kinh phí 200 triệu đồng nhận được từ chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" của Báo Người Lao Động, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ sẽ chuyển đến đúng đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm trao đúng, trao đủ để góp phần giúp các hộ dân ổn định cuộc sống" - ông Ngô Xuân Tình khẳng định.
Trách nhiệm hơn với Tổ quốc
Thông tin thêm về các hợp phần của chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", nhà báo Tô Đình Tuân cho biết hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã trao tặng cờ cho ngư dân 28 tỉnh, thành có biển. Qua đó, những người thực hiện chương trình cũng có những trải nghiệm rất đặc biệt, kể cả ở Trường Sa hay vùng biển Tây Nam.
"Có những lần, chúng tôi trao cờ Tổ quốc cho ngư dân khi họ đang đánh bắt hải sản ngoài khơi. Nhận được lá cờ, nhiều ngư dân vô cùng xúc động và cho biết cờ Tổ quốc đã truyền cảm hứng rất đặc biệt để họ có trách nhiệm hơn với đất nước" - ông Tô Đình Tuân chia sẻ.
Với hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương", nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã được thực hiện, như tổ chức hàng chục chuyến thăm, tặng hàng chục ngàn lá cờ Tổ quốc; tặng học bổng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các phần quà đến với đồng bào ở các tỉnh có biên giới trên bộ.
Hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" tuy ra đời sau nhưng cũng đã thực hiện hàng trăm đường cờ Tổ quốc ở 45 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, đường cờ ở Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh (tỉnh Bạc Liêu) với chiều dài 25 km là một trong 4 kỷ lục quốc gia được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận cho chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc".
Bình luận (0)