Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) không chỉ giữ vai trò chủ lực trong tín dụng nông nghiệp - nông thôn, mà còn là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Gắn bó mật thiết với "tam nông"
Ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Agribank đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cung ứng tín dụng, dịch vụ tài chính cho khu vực nông thôn. Trên cơ sở định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank chủ động xây dựng các chương trình hành động, các chương trình tín dụng ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dư nợ cho vay theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Agribank đến tháng 5-2025 đạt 740.165 tỉ đồng với hơn 2 triệu khách hàng. Ngân hàng tích cực triển khai cho vay thông qua hơn 62.000 tổ vay vốn tại các địa phương, giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận tín dụng một cách thuận tiện.
Những con số nêu trên khẳng định vai trò chủ lực của Agribank trong việc cung ứng tín dụng phục vụ phát triển "tam nông" - trụ đỡ của nền kinh tế. Chưa kể, tại mỗi tỉnh, thành phố, ngân hàng còn góp phần kiến tạo những mô hình phát triển kinh tế bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Agribank cũng tích cực cho vay đối với các dự án hạ tầng nông thôn như xây dựng đường, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, trường học..., qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đáng chú ý, thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", Agribank đã triển khai ưu đãi tín dụng cho khách hàng tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo theo đề án này. Theo đó, ngân hàng hỗ trợ lãi suất đối với cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác thấp hơn 1 điểm %; hỗ trợ lãi suất đối với HTX, doanh nghiệp (DN) thấp hơn 1-1,5 điểm % so với sàn lãi suất cho vay thông thường.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cung ứng tín dụng, dịch vụ tài chính cho khu vực nông thôn (Ảnh: Agribank cung cấp)
65% dư nợ cho nông nghiệp, nông thôn
Ở các tỉnh phía Bắc, nguồn vốn tín dụng từ Agribank đã được định hướng vào các HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, tập trung vào các loại cây ăn quả có lợi thế như chanh leo, xoài, mận hậu; phát triển sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") chất lượng cao như trà xanh...
Gia đình ông Nguyễn Văn Đốc (phường Thảo Nguyên, tỉnh Sơn La) từng là hộ nghèo. Khởi nghiệp cách đây hơn 30 năm bằng khoản vay 50 triệu đồng từ Agribank Mộc Châu để đầu tư 7 ha mận hậu, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng lên hơn 20 ha. Mỗi năm, ông vay 4-5 tỉ đồng từ Agribank để đầu tư trồng mận, lắp đặt hệ thống tưới ẩm tự động, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Gia đình ông thu lãi 3-4 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập 7-15 triệu đồng/tháng.
Tại khu vực phía Nam, Agribank cũng đóng vai trò đặc biệt trong việc phát triển các mô hình kinh tế xanh như nuôi tôm kết hợp bảo vệ rừng tại Cà Mau, nuôi cá tra xuất khẩu tại Đồng Tháp, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở Lâm Đồng... Đây là những mô hình kinh tế đặc thù, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và kỹ thuật canh tác phù hợp.
"Với sự đồng hành về tài chính từ ngân hàng, hàng ngàn hộ dân có điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững, kết nối với DN thu mua, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ áp dụng các tiêu chuẩn an toàn sinh học, nông sản đạt chất lượng cao, đầu ra ổn định, thu nhập và đời sống của người dân thay đổi rõ nét" - đại diện Agribank thông tin.
Agribank luôn dành trên 65% dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mỗi năm, hàng chục ngàn tỉ đồng được ngân hàng giải ngân theo các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng ưu đãi cho khách hàng.
Agribank hiện là ngân hàng thương mại duy nhất xây dựng quy chế tín dụng riêng đối với HTX và triển khai cơ chế cho vay ưu đãi như không yêu cầu tài sản bảo đảm tối đa 1 tỉ đồng đối với HTX nông thôn, 2 tỉ đồng cho HTX nuôi trồng thủy sản và 3 tỉ đồng đối với liên hiệp HTX ngành thủy sản. Riêng với HTX tham gia chuỗi giá trị, mức cho vay không tài sản bảo đảm có thể lên tới 80% tổng giá trị dự án. Tính đến hết quý I/2025, dư nợ cho vay đối với HTX của Agribank đạt gần 1.916 tỉ đồng, tăng 2,6% so với cuối năm ngoái.
Đòn bẩy phát triển bền vững
Agribank còn tham gia thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập, việc nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế HTX, DN nhỏ và vừa tại nông thôn là yếu tố quyết định để hình thành các chuỗi giá trị nông sản có tính cạnh tranh cao. Những chủ thể này đóng vai trò tổ chức lại sản xuất và là đầu mối kết nối giữa nông dân - thị trường - công nghệ. Từ những khoản vay nhỏ phục vụ chăn nuôi, trồng trọt theo mùa vụ đến các khoản vay trung, dài hạn cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mô hình trang trại, kinh tế hợp tác, Agribank luôn đồng hành với nông dân ở các giai đoạn chuẩn bị giống, mua vật tư, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Với khu vực kinh tế tư nhân, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết thời gian qua, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho khu vực này luôn được quan tâm chú trọng. Đến nay, tỉ trọng tín dụng đầu tư cho khu vực tư nhân chiếm khoảng 80% tổng dư nợ của Agribank, với gần 1,4 triệu tỉ đồng. Trong đó, các DN tư nhân với quy mô hơn 400.000 tỉ đồng chiếm khoảng 90% dư nợ khách hàng DN và đã tăng hơn 30% trong vòng 5 năm qua.
Agribank còn là một trong những tổ chức tiên phong thúc đẩy tín dụng xanh. Ngân hàng ưu tiên tài trợ cho dự án nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, trồng rừng và kinh tế tuần hoàn. Không đơn thuần cấp vốn, Agribank còn đồng hành với khách hàng xây dựng mô hình sản xuất bền vững, giảm phát thải và thân thiện với môi trường.
Trong chiến lược phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Agribank lấy ESG (môi trường - xã hội - quản trị) làm kim chỉ nam xuyên suốt. Đồng thời, ngân hàng cam kết cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Đồng hành phát triển
Theo đại diện Agribank, nhiều năm qua, Agribank và Báo Người Lao Động đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, cùng phối hợp hoàn thành nhiệm vụ chính trị của 2 bên, nhất là trong hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm dịch vụ, an sinh xã hội...
Agribank đã đồng hành với nhiều sự kiện quan trọng của Báo Người Lao Động như tọa đàm, hội thảo chuyên đề về kinh tế, tài chính, ngân hàng; cũng như các hoạt động xã hội giàu ý nghĩa như chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", giải Half-marathon "Tự hào Tổ quốc tôi", lễ hội "Tôn vinh cà phê - trà Việt"...
"Thông qua Báo Người Lao Động, Agribank đã truyền tải được thông điệp tích cực, khẳng định vai trò tiên phong trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, kết nối đưa sản phẩm, dịch vụ đến gần hơn với khách hàng, góp phần vào sự phát triển hoạt động kinh doanh bền vững" - đại diện ngân hàng bày tỏ.
Sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2025
Tính đến ngày 30-6, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 2,1 triệu tỉ đồng - tăng 6,4% so với đầu năm 2025, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỉ trọng lớn. Nguồn vốn tăng trưởng ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu vay phát triển sản xuất - kinh doanh của khách hàng, bảo đảm các tỉ lệ an toàn theo quy định. Dư nợ cho vay đạt trên 1,85 triệu tỉ đồng - tăng 7,6% so với đầu năm, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỉ đồng (chiếm hơn 61% dư nợ nền kinh tế).
Phát biểu tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, ông Tô Huy Vũ, Chủ tịch HĐTV Agribank, tin tưởng ngân hàng sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu năm nay. Qua đó, Agribank khẳng định vị thế là định chế tài chính hàng đầu, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần đưa khu vực này phát triển phồn thịnh.
Bình luận (0)