Dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển công trình xanh, với sự ra đời của nhiều văn bản pháp luật liên quan, TP HCM đã thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy loại hình công trình này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, TP HCM cần khắc phục những hạn chế và hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách.
Cần có quy định cụ thể
Dù công trình xanh đã được quan tâm nhưng chưa thực sự trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các dự án đầu tư bất động sản tại TP HCM. Do đó, sự phát triển của bất động sản xanh phụ thuộc rất lớn vào ý thức của nhà đầu tư và chính sách khuyến khích từ nhà nước.
Khái niệm công trình xanh không thể tách rời với bất động sản xanh. Tuy nhiên, việc thiếu một định nghĩa chính thức về bất động sản xanh trong hệ thống pháp luật hiện hành đang hạn chế loại hình bất động sản này phát triển. Để tạo ra môi trường đầu tư và phát triển bền vững, cần có văn bản pháp luật riêng, quy định cụ thể về cả công trình xanh và bất động sản xanh, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam.
Hệ thống đánh giá công trình xanh tại TP HCM khá đa dạng với cả các tiêu chuẩn trong nước như: Lotus, Ctx và các tiêu chuẩn quốc tế như: Leed, Green Mark. Dù mang đến nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư nhưng việc áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và các chính sách hỗ trợ hiện hành.
Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quy định, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý trong việc đánh giá, so sánh hiệu quả các công trình xanh. Hơn nữa, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn cao cũng làm gia tăng khó khăn trong việc lựa chọn và áp dụng các công cụ đánh giá một cách hiệu quả.
Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ
Thời gian qua, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công trình xanh, như các quyết định của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng xanh, các chiến lược phát triển ngành ngân hàng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Dù vậy, các doanh nghiệp tại TP HCM vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các chính sách hỗ trợ nêu trên. Để khắc phục tình trạng này, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công tác truyền thông và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý.
Để thúc đẩy phát triển công trình xanh và bất động sản xanh, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP HCM, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Việc trao quyền cho HĐND và UBND sẽ giúp TP HCM chủ động xây dựng, triển khai các chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công trình xanh và bất động sản xanh.
Việc xây dựng công trình xanh cũng cần được xem như một phần không thể thiếu trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Điều đó sẽ góp phần xây dựng các đô thị xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)