xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoàn thuế vẫn còn nhiều vướng mắc

THÁI PHƯƠNG - LÊ TỈNH

Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế địa phương giải quyết tận gốc vướng mắc liên quan đến hoàn thuế GTGT, mua bán hóa đơn điện tử, thuế thu nhập cá nhân...

Hội nghị đối thoại với người nộp thuế tại 5 tỉnh, thành phố phía Nam năm 2024 (gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An) do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 27-9, tại TP HCM đã kéo dài cả ngày, hơn 400 câu hỏi của doanh nghiệp (DN) được gửi tới.

"Tắc" ở khâu kê khai

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết hội nghị đối thoại lần này nhằm nắm bắt, trao đổi, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phản ánh của người nộp thuế trong thực tiễn thực hiện các quy định, chính sách thuế.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hàng trăm DN đã ngồi từ sáng sớm tới cuối ngày để nghe ngành thuế giải đáp thắc mắc liên quan đến hoàn thuế GTGT, mua bán hóa đơn điện tử, vướng mắc kê khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Sigma (Long An), phản ánh việc hoàn thuế GTGT đối với DN nước ngoài rất chậm. Thậm chí chậm hơn so với cách làm bằng giấy, trong khi Tổng cục Thuế nói đã chuyển đổi số, có dữ liệu trên hệ thống, giúp DN làm thủ tục dễ dàng hơn (?!). "Tổng cục Thuế cần phân loại hồ sơ hoàn thuế luồng xanh, vàng, đỏ như hải quan; công tác hậu kiểm cũng rất lâu, nên hoàn thuế trước và hậu kiểm sớm. Sau khi hoàn, nếu khi hậu kiểm phát hiện sai sót thì có thể truy thu hoàn ngay. DN rất cần tài chính quay vòng để sản xuất kinh doanh" - đại diện Công ty Sigma nêu.

Hoàn thuế vẫn còn nhiều vướng mắc- Ảnh 1.

Hơn 300 doanh nghiệp tham gia đối thoại với cơ quan thuế. Ảnh: LAM GIANG

Đại diện Công ty TNHH Saigon PTS (xuất khẩu gốm sứ) cho biết hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN này kỳ từ tháng 4-2021 đến tháng 6-2022 đã được xác minh nhưng do vướng mắc ở việc xác định tỉ lệ khoáng sản nên cơ quan thuế TP HCM vẫn chưa xử lý. Nếu DN phải chờ đến khi tất cả hơn 20 nhà cung cấp ở các địa phương xác định được tỉ lệ khoáng sản theo quy định thì mất 3-5 năm.

"DN có đầy đủ hóa đơn, hợp đồng mua bán hợp pháp với các nhà máy, có thanh toán qua ngân hàng với các chứng từ thanh toán hợp lệ; chứng từ hải quan đầy đủ… Chỉ mỗi tắc ở tỉ lệ khoáng sản chưa xác minh được, mong Tổng cục Thuế có hướng dẫn để cơ quan thuế địa phương có hướng giải quyết sớm hơn" - đại diện Công ty TNHH Saigon PTS kiến nghị.

Liên quan trường hợp của Công ty TNHH Saigont PTS, ông Mai Sơn đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1 và lãnh đạo Cục Thuế TP HCM phụ trách quận 1 phải liên hệ ngay với DN để tháo gỡ. "Chúng tôi sẽ theo dõi kết quả sau hội nghị này" - ông Mai Sơn nói.

Làm "nóng" hội nghị trong câu chuyện hoàn thuế phải kể đến trường hợp của Công ty CP Fococev Việt Nam (quận 4, TP HCM; kinh doanh, xuất khẩu bột sắn). Đại diện công ty cho biết vướng mắc bắt đầu từ năm 2017 khi Cục Thuế TP HCM truy thu thuế GTGT và không hoàn thuế GTGT. Chỉ tính từ hồ sơ hoàn thuế tháng 6-2020 đến nay, công ty này chờ hoàn thuế khoảng 366 tỉ đồng.

Vụ việc được đại diện Fococev Việt Nam nêu có liên quan đến nghi ngờ dấu hiệu hành vi xuất khẩu khống hàng hóa sang Trung Quốc nhưng cơ quan công an đã xác minh chưa có căn cứ của dấu hiệu hoàn thuế khống.

DN này kiện cơ quan thuế ra tòa, tòa sơ thẩm đã tuyên án, Tổng cục Thuế đã có công điện nhưng quá trình hoàn thuế vẫn bị kéo dài đến nay.

Hoàn thuế điện tử chậm hơn giấy?

Trả lời kiến nghị của Công ty CP Fococev Việt Nam, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), cho hay những vướng mắc trong hoàn thuế cho Fococev xuất phát từ việc các năm vừa qua, DN này xuất khẩu bột sắn qua đường bộ. Tuy nhiên khi cơ quan thuế Việt Nam phối hợp với cơ quan thuế của Trung Quốc xác minh thì phát hiện trong số các đối tác của Fococev, có DN không tồn tại hoặc đã ngừng hoạt động, không hoạt động tại nơi đăng ký, đang hoạt động nhưng không thừa nhận có ký hợp đồng với DN… Với kết quả xác minh như trên, cơ quan thuế đặt nghi vấn liệu hợp đồng có hiệu lực pháp lý không nên mới có những quyết định truy thu thuế.

Về các khoản thuế của Fococev chưa được hoàn từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP HCM rà soát để giải quyết, bảo đảm đúng bản chất giữa bên mua - bên bán, đúng quy định pháp luật.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng thông tin về các trường hợp kiến nghị khác. Ông Mai Sơn lưu ý các cơ quan thuế địa phương có trách nhiệm và tinh thần luôn lắng nghe, chia sẻ, cố gắng giải quyết tận gốc vấn đề trên tinh thần bảo đảm quyền lợi DN và bảo đảm ngân sách nhà nước về hoàn thuế.

Với ý kiến nhận định của DN về việc hoàn thuế điện tử chậm hơn hoàn thuế giấy trước kia, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cũng nhìn nhận từ khi chuyển sang hồ sơ điện tử, DN không phải tới cơ quan thuế nhưng quá trình xử lý thì lại chậm hơn.

Theo ông Thành, từ khoảng năm 2022 ngành thuế có đột phá lớn về hiện đại hóa công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hệ thống hóa đơn điện tử được đón nhận. Có điều, thông qua hệ thống này, cơ quan thuế đã phát hiện có tình trạng mua bán hóa đơn điện tử! Những hóa đơn này đi vào hồ sơ hoàn thuế, vào hóa đơn của những DN muốn chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.

Dẫn chứng cho tình trạng này là cuối năm 2023, TAND tỉnh Phú Thọ đã có phiên xét xử, tuyên án hơn 100 bị cáo trong đường dây mua bán hóa đơn GTGT với doanh số gần 64.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, doanh số hóa đơn chủ yếu xuất vào TP HCM. Đối với vụ án này, đường dây có liên quan tới 637 DN, xuất hơn 1 triệu hóa đơn, đơn vị sử dụng hóa đơn cũng lên tới hàng chục ngàn DN…

Hiện cơ quan thuế và cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, xử lý vấn đề liên quan. Do đó, cùng với nỗ lực giải quyết vướng mắc, bất cập về hoàn thuế điện tử, Tổng cục Thuế đề nghị DN cùng nêu cao trách nhiệm.

"Tác dụng của hóa đơn điện tử không chỉ giúp DN giảm chi phí, còn giúp tra cứu, cập nhật kịp thời những trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; xác định đối tượng DN "ma", thành lập chỉ để buôn bán hóa đơn. Chính sách quản lý của ngành thuế hướng tới không để DN làm ăn bất hợp pháp ảnh hưởng tới cộng động DN chân chính" - ông Mai Sơn khẳng định. 

Hướng tới hóa đơn sạch

Theo Tổng cục Thuế từ tháng 10-2023, Tổng cục Thuế đã triển khai toàn bộ tiêu chí và hệ thống phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, theo đó phân loại ngưỡng rủi ro để xác định người nộp thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước (6 ngày làm việc), kiểm tra trước (40 ngày). Qua rà soát thực tế phát sinh nhiều trường hợp người nộp thuế chuẩn bị chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định, kê khai chưa chính xác thông tin trên hồ sơ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng muốn hoàn thuế nhanh, bản thân DN cũng cần kiểm soát hệ sinh thái của mình, bao gồm các đối tác, khách hàng, công ty con... Làm như vậy để ngăn chặn nạn mua bán hóa đơn trái phép. Tinh thần là DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm.

Chính sách của ngành thuế là hướng tới môi trường hóa đơn sạch. Bởi nếu không có nộp thuế ở khâu trước thì làm sao DN được hoàn thuế ở khâu sau?


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo