xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoàng Sa những ngày tháng không quên

Bài và ảnh: BÍCH VÂN - HẢI ĐỊNH

TP Đà Nẵng có 15 người từng sinh sống, làm việc trên quần đảo Hoàng Sa. Trong số đó nay còn 7 người là nhân chứng sống.

VẸN NGUYÊN KÝ ỨC

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, gần với sự kiện 19-1-1974, các nhân chứng Hoàng Sa càng nhớ đảo da diết. Trong họ, phần ký ức về Hoàng Sa là những ngày tháng không thể nào quên. Đau đáu và day dứt khôn nguôi. Ông Nguyễn Văn Cúc (SN 1952; ngụ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có 3 lần đến Hoàng Sa để làm nhiệm vụ khảo sát, sửa chữa và xây dựng. Lần đầu là vào tháng 1-1973 với vỏn vẹn 2 ngày để khảo sát các bể chứa nước cũ, ước lượng nguyên vật liệu để đem ra đảo.

Hoàng Sa những ngày tháng không quên- Ảnh 1.

Cựu binh Trần Văn Sơn nâng niu kỷ niệm là những bức ảnh ông chụp cùng các nhân chứng Hoàng Sa

Lần thứ hai, ông Cúc ra đảo để bắt tay xây dựng các bể ngầm chứa nước mưa, lấy nước ngọt phục vụ cho cả quần đảo. Lần thứ ba, ông ra đảo vào tháng 12-1973 để lấy mẫu đất, khảo sát xây dựng sân bay. Ký ức về vẻ đẹp hoang sơ của Hoàng Sa ngày ấy cứ lớn dần trong tâm trí ông, như mới xảy ra vào ngày hôm qua.

Ông Cúc tự nhận mình có duyên với biển cả, với đại dương và với Hoàng Sa. Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề đánh bắt cá, tuổi thơ ông gắn liền với biển. Khi lớn lên lại gắn với một phần thời gian công tác ở Hoàng Sa nên ông luôn cho rằng đó là sự may mắn, diễm phúc của bản thân.

Lần đầu đặt chân đến Hoàng Sa, cảm giác của ông Cúc lâng lâng, khó diễn tả. Ông cùng 5 người khác tham quan đảo. Cảnh tượng làm mọi người thích thú là trên đảo có vô số chim và con vích đang đẻ trứng. Điểm đặc biệt là những sinh vật đó không sợ sự xuất hiện của con người. Lần thứ hai ra đảo, ông sửa chữa các bể nước ngầm xây từ thời Pháp thuộc và bắt tay xây dựng 20 bể, mỗi bể hơn 1.000 m3 nước. Những bể này được xây ngầm quanh các căn nhà để chứa nước mưa từ trần nhà đổ xuống. Đây cũng là khoảng thời gian ông Cúc ở trên đảo lâu nhất.

Hoàng Sa những ngày tháng không quên- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Cúc với tấm ảnh chụp ở Hoàng Sa năm 1973

Ông Trần Văn Sơn (SN 1947, trú phường Phước Mỹ) - một trong những nhân chứng Hoàng Sa - từng được điều động ra đảo đúng mùng 1 Tết Quý Sửu 1973 để làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ đảo này. Khi đó, con ông mới vừa tròn 1 tháng tuổi. Dứt áo lên đường không đành lòng nhưng vì tiếng gọi của Hoàng Sa, ông quyết định lên tàu. Thuyền từ cảng Đà Nẵng lênh đênh 2 ngày thì đến Hoàng Sa. Lần đầu tiên và lần duy nhất ông Sơn đón giao thừa ở đó. Ngồi trong phòng sinh hoạt, mỗi người góp ít bánh khô, bánh tét, bánh in, bánh hộc rồi cùng ngân nga chúc mừng năm mới. Các thủy thủ hải quân góp đồ ăn ngon. Đêm đó, 3 người góp vui bằng bài "Trống cơm". Họ hát rất hay. Lúc này, cả thuyền như hòa làm một. Ký ức về đêm giao thừa giữa biển trời Hoàng Sa năm đó đến giờ vẫn còn vẹn nguyên trong trí ông Sơn.

Trên đảo không có cây lớn. Chỉ có vài ngọn phi lao, vài cây phong ba và cát vàng, ngút ngàn tầm mắt. Đặt chân lên đảo, ông ngỡ ngàng vì quá hoang vu. Chỉ có một công trình xây từ thời Pháp, một nhà thờ Công giáo được lợp tôn sơ sài cùng một miếu nhỏ thờ bà Đệ tam Hoàng hậu của vua Gia Long. Để tắm giặt, người ta đào một giếng nhỏ. Mỗi sáng, mỗi người chỉ được cấp một bi-đông nước để súc miệng, đánh răng.

Nước ngọt trên đảo quý vô cùng. Trong căn nhà 2 tầng, ngoài tầng 1 để sinh hoạt thì tầng 2 được dùng để sẵn sàng... hứng nước mưa. Mỗi khi mưa đến, phải tìm mọi cách để đựng nước nhằm thỏa cơn khát, cơn nóng rát da cháy cổ.

HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM!

Những ngày làm việc ở Hoàng Sa, với ông Nguyễn Văn Cúc, là những ngày bình dị. Buổi sáng ông dậy sớm, tập thể dục rồi ăn cơm và bắt tay vào làm việc. Công việc được phân công cụ thể cho từng người. Trưa đến, mọi người nghỉ ngơi, ăn uống rồi lại tiếp tục công việc. Bữa cơm chỉ toàn cá, thiếu rau xanh.

Hoàng Sa những ngày tháng không quên- Ảnh 3.

Buổi chiều, khi xong việc, ông Cúc thường đi quanh đảo và đến cầu tàu để hóng gió. Đây cũng là lúc ông nhớ nhà da diết. Thời điểm ông đi, vợ mới mang thai con thứ hai nên nỗi nhớ càng thêm sâu nặng. Để khuây khỏa, ông cùng mọi người câu cá, bắt ốc hoặc đá bóng. Lần thứ ba ông ra đảo để lấy mẫu đất, khảo sát thực địa và đó cũng là lần cuối cùng.

Với ông Trần Văn Sơn, ngoài những giờ canh gác biển trời quê hương ở Hoàng Sa thì vẫn còn những thú vui "rất đời". Hoàng Sa ít mưa, nắng rát da rát thịt. Nhưng khi mưa đến thì xối xả như trút nước. Ngoài cá và ốc còn vô vàn rạn san hô. Cá, ốc sống trong rạn nhiều vô kể. Cá ăn không hết, đem làm chả. Ốc được moi ruột, phơi khô để dành làm "quà Hoàng Sa" khi trở về đất liền.

Hoàng Sa những ngày tháng không quên- Ảnh 4.

Nhân chứng Hoàng Sa ở Đà Nẵng gặp nhau tại Triển lãm Tư liệu Báo chí về Hoàng Sa năm 2018 (từ trái qua): Nguyễn Văn Dữ, Trần Hòa, Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Cúc, Lê Đình Rê

Những ngày ở Hoàng Sa cứ thế qua đi. Cuối tháng 4-1973, đơn vị của ông Sơn kết thúc đợt 3 tháng công vụ ở Hoàng Sa, về lại Đà Nẵng. Ngày bàn giao công việc, ông Sơn thấy như một phần tuổi trẻ đã nằm lại nơi đây, giữa hòn đảo đầy nắng và gió này.

Cũng như ông Sơn, khi xong công việc, ông Cúc cùng mọi người rời đảo về đất liền. Lúc này là tháng 1-1974. Tàu của ông bị tàu Trung Quốc áp sát. Sau một ngày bị bắt giữ, phía Trung Quốc đưa tàu nhỏ chở ông Cúc và những người khác về đảo Hải Nam rồi về Quảng Đông. Ông bị giữ suốt hơn 1 tháng. Đây là cái Tết đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại, ông xa quê. Sau đó, Trung Quốc đưa sang Hồng Kông và giao cho Tổ chức Hồng thập tự quốc tế của nước Anh để trao về lại cho chính quyền Sài Gòn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Cúc là một trong 5 người đầu tiên được trao trả, trở về Đà Nẵng.

Tâm nguyện của ông là mong thế hệ mai sau hiểu rõ về lịch sử của Hoàng Sa, thấu hiểu những khó khăn, gian nan của cha ông khi khai phá và giữ gìn Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn. "Luôn ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam và bằng mọi giá phải lấy lại chủ quyền Hoàng Sa cho Việt Nam" - ông Cúc trải lòng.

Còn với ông Sơn, tâm nguyện cả đời là một lần được trở lại Hoàng Sa, tìm hài cốt đồng đội để đưa về đất liền. "Một khi còn sống, tôi vẫn còn phải kể những câu chuyện về Hoàng Sa, để con cháu không quên Hoàng Sa mãi là một phần ruột thịt của Việt Nam" - ông Sơn tâm nguyện.

"Họ là công dân đích thực của huyện Hoàng Sa trước đây và mãi mãi về sau. Họ tận mắt chứng kiến sự thật những ngày ở đảo, giữ đảo với bao kỷ niệm vui buồn".

Ông Đặng Công Ngữ - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng (viết trong Kỷ yếu Hoàng Sa, 2014).


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo