Sáng 28-3, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” tại TP HCM.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết năm 2024, tổng mức vốn huy động của thị trường vốn đạt gần 930.000 tỉ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP; nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản đầu tư với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỉ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Những kết quả này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỉ USD, đứng thứ 33 trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị Ảnh: Hoàng Triều
Dù đã đạt được những kết quả rất tích cực trong năm 2024 nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra thị trường vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
Trong đó, số lượng nhà đầu tư liên tục tăng nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%. Hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế nhìn nhận vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực thi về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, thủ tục hành chính và ngoại hối...
"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển mức hai con số, Bộ Tài chính đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài"- ông Thắng nói.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thông tin cả nước hiện có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750.000 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014.
Trong suốt một thập kỷ qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20% mỗi năm. Đặc biệt, sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản đã góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư, trong đó quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Ảnh: Hoàng Triều
Theo bà Phương, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.
Do đó, việc thúc đẩy sự phát triển của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định và bền vững hơn.
Đồng thời, sự mở rộng của các quỹ đầu tư đa dạng như quỹ chỉ số, quỹ ESG, quỹ hạ tầng…sẽ tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM tham dự hội nghị Ảnh: Hoàng Triều

Ông Don Lam, Tổng giám đốc và cổ đông sáng lập, tập đoàn VinaCapital Ảnh: Hoàng Triều



Các diễn giả chia sẻ thông tin tại hội nghị Ảnh: Hoàng Triều

Hội nghị thu hút doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài Ảnh: Hoàng Triều
Bình luận (0)