Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang nỗ lực tìm thêm giải pháp cho hoạt động cứu trợ tại Dải Gaza giữa lúc nỗi lo nhân đạo gia tăng tại TP Rafah. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ngày 21-5 cho biết cơ quan này đã lên kế hoạch lập các tuyến đường mới bên trong Dải Gaza để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo từ cầu tàu do Mỹ lắp đặt ngoài khơi dải đất này.
Hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ từ cầu tàu nói trên bắt đầu từ ngày 17-5 với sự tham gia điều phối của LHQ. Tuy nhiên, trong ngày 18-5, chỉ có 5 xe tải chở hàng đến được kho của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại TP Deir El Balah - miền Trung Dải Gaza.
11 xe tải còn lại đã bị đám đông người Palestine chặn lại. Theo ông Dujarric, người dân đã lấy lương thực trên xe khi đoàn xe đi qua khu vực khó tiếp cận với viện trợ nhân đạo.
Bà Abeer Etefa, người phát ngôn của WFP, cho biết việc phân phối hàng cứu trợ đang tạm dừng trong lúc LHQ tìm kiếm tuyến đường mới và sự điều phối hiệu quả hơn nhằm ngăn sự cố tương tự tái diễn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 công bố kế hoạch lắp đặt cầu tàu nói trên để giúp đưa thêm hàng cứu trợ đến Dải Gaza. Giới chức Mỹ cho biết một khi đi vào hoạt động, cầu tàu này sẽ cho phép khoảng 90 xe tải chở hàng cứu trợ đến Dải Gaza mỗi ngày và con số này có thể tăng lên 150 chiếc.
Hàng cứu trợ được vận chuyển qua một hành lang hàng hải từ Cyprus. Vào đầu tháng này, 2 con tàu chở hàng cứu trợ đã rời Cyprus.
Ông Pat Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ngày 21-5 cho biết hơn 569 tấn hàng viện trợ đã được vận chuyển đến Dải Gaza qua con đường này và số lượng có thể còn tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Ryder nói thêm Mỹ hiện hợp tác với LHQ và Israel để xác định các tuyến đường phân phối an toàn bên trong Dải Gaza. Ngoài ra, Washington đang tiếp tục thúc đẩy cung cấp viện trợ bằng các phương thức khác, trong đó có đường bộ.
Theo ông Ryder, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang trao đổi với người đồng cấp Israel về nỗ lực để đưa viện trợ qua các cửa khẩu trên bộ, trong đó có Rafah.
Ngoài ra, Mỹ còn phối hợp với Không quân Jordan tiến hành một số đợt thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza. Dù vậy, hiện chưa rõ hoạt động này có diễn ra thường xuyên hay không và sẽ kéo dài đến khi nào. Lần gần đây nhất diễn ra hoạt động này là vào ngày 9-5.
Trong lúc này, việc tiếp cận cứu trợ ở miền Nam Gaza đã bị gián đoạn kể từ khi Israel tăng cường hoạt động quân sự ở TP Rafah đầu tháng này. Theo LHQ, diễn biến này buộc 900.000 người phải đi sơ tán.
Chưa hết, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người Palestine (UNRWA) ngày 21-5 cho biết việc phân phối lương thực ở thành phố này đã phải tạm ngừng do thiếu nguồn cung và tình hình an ninh không bảo đảm.
Bà Abeer Etefa cảnh báo các hoạt động nhân đạo ở Dải Gaza đang gần sụp đổ, tình trạng thiếu ăn có nguy cơ tiếp tục lan rộng nếu hàng cứu trợ không bắt đầu vào đây với số lượng lớn.
Bình luận (0)