Sáng 7-10, tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội), Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng "Mắt khỏe ngời sáng tương lai".
Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày thị giác thế giới (10-10) với chủ đề "Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em".
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trường phổ thông cơ sở năm 2020 tại Hà Nội và năm 2023 tại TP HCM của Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận: Tại Hà Nội có 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%.
Tại TP HCM, tỉ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6%, trong đó, số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.
Tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, qua khảo sát nhà trường ghi nhận khoảng 270 trường hợp có tật khúc xạ, trong đó có 197 em học sinh cận thị.
Theo Thứ trưởng Hương, chương trình này sẽ chăm sóc mắt miễn phí cho hàng chục ngàn các em học sinh tại 20 trường tiểu học và mầm non trên địa bàn thủ đô Hà Nội và TP HCM.
Ngoài việc khám và phát hiện các bệnh về mắt sớm cho trẻ em, chương trình cũng chia sẻ các kiến thức, hướng dẫn phụ huynh và học sinh có thêm kỹ năng chăm sóc, bảo vệ đôi mắt, tránh nguy cơ mắc tật khúc xạ.
PGS-TS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết tật khúc xạ gồm cận, viễn, loạn thị..., trong đó cận thị chiếm tỉ lệ cao nhất. Theo các nghiên cứu gần nhất, tỉ lệ cận thị ở trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố, thậm chí có lớp trên 50% học sinh trong lớp bị cận thị.
Phần lớn nguyên nhân cận thị liên quan đến lối sống sinh hoạt hằng ngày. Điển hình như việc nhìn gần kéo dài, sử dụng các thiết bị điện tử, sách báo... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không ra ngoài trời sinh hoạt.
Các dấu hiệu thường thấy ở người lớn bị cận thị là nhìn mờ khi vật ở xa; nheo mắt để nhìn; khó nhìn trong điều kiện thiếu sáng, không có hứng thú trong học tập, nhanh mệt mỏi khi làm việc... Riêng trẻ em có xu hướng và tiến sát đến tivi để xem, ngại đọc sách hoặc các hoạt động phải nhìn xa; cúi sát mặt khi nhìn sách, điện thoại...; trẻ thường kêu mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt.
Việc mắc cận thị nói riêng và các bệnh về mắt nói chung làm hạn chế khả năng học tập của trẻ. Nếu không được phát hiện, can thiệp sớm, quá trình tiến triển cận thị nhanh lên làm trẻ bị cận thị nặng hơn.
Bình luận (0)