Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình chiều 30-5 đã khởi tố bị can, tạm giam Phương Quỳnh Anh (SN 1986, trú tại xã Vũ Phúc, TP Thái Bình), nhân viên Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình), về tội "Vô ý làm chết người".
Bị bỏ quên trên ô tô cả ngày
Nữ nhân viên này được xác định là người đảm nhiệm việc đưa - đón học sinh bằng xe đưa - đón trẻ của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 và liên quan trực tiếp đến cái chết của bé T.G.H (SN 2019, học sinh trường mầm non này) vào ngày 29-5.
Theo thông tin từ Công an TP Thái Bình, khoảng 17 giờ ngày 29-5, cậu ruột của bé T.G.H là Trần Đức Anh (trú tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đến Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 để đón cháu nhưng tìm mãi không thấy. Người cậu tá hỏa đi tìm cháu khắp nơi thì bàng hoàng phát hiện cháu bé chết thảm trong ô tô đưa đón học sinh của nhà trường.
Khẩn trương điều tra, Công an TP Thái Bình xác định vào khoảng 6 giờ 20 phút ngày 29-5, tài xế Nguyễn Văn Lâm (SN 1965, trú tại TP Thái Bình) điều khiển ô tô 29 chỗ cùng cô giáo Phương Quỳnh Anh đón cháu H. và 9 học sinh khác đi học.
Khi đến trường, ông Lâm mở cửa ô tô cho giáo viên và các học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, ông Lâm điều khiển xe đỗ ở cổng trường rồi ra về. Khi vào lớp, giáo viên của lớp chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình. Cho đến khi cậu ruột của cháu H. đến đón mới phát hiện cháu bị bỏ quên trên xe đưa rước của nhà trường dẫn đến tử vong.
Trong quá trình điều tra và khám nghiệm tử thi, bước đầu cơ quan công an nhận định cháu bé ở trong xe trong khoảng thời gian dài, không gian hẹp, thời tiết nắng nóng, dạ dày không có thức ăn dẫn đến sức lực suy kiệt do bị suy hô hấp.
Ngay trong tối 29-5, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" và tạm giữ hình sự nhân viên Phương Quỳnh Anh của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2.
Người đưa - đón không có trình độ sư phạm
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thái Bình, Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 được thành lập năm 2022 với 12 lớp, 272 trẻ. Phương tiện đưa đón các cháu học sinh là ô tô 29 chỗ do nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Lâm mới tham gia lái xe đưa đón học sinh của trường mầm non này từ ngày 22-5 do người lái xe chính nghỉ phép 1 tuần và bàn giao công việc cho ông. Trong khi đó, chị Phương Quỳnh Anh, nhân viên đảm nhiệm việc đưa - đón học sinh bằng xe đưa rước trẻ của trường không có trình độ sư phạm, mà lại có trình độ trung cấp dược!
Vụ việc khiến nhiều người thân, hàng xóm của gia đình bé T.G.H không khỏi đau xót. Tại Nhà tang lễ TP Thái Bình, sáng 30-5, bà Đinh Thị Hằng, bà ngoại cháu H., khóc nghẹn.
Gương mặt buồn bã, anh Trần Đức Anh kể ngày 29-5, trường của bé H. làm lễ tổng kết. Anh đến trường, ngồi đợi đến hết buổi tổng kết thì bắt đầu đi tìm cháu ở khắp các lớp nhưng không thấy. Anh hỏi giáo viên trong trường thì được hướng dẫn tìm cô giáo Đoàn Thị Nhâm, giáo viên phụ trách lớp. Gặp cô Nhâm hỏi thông tin cháu mình, anh được cô cho biết hôm nay H. không đi học.
"Tôi gọi điện về hỏi người nhà xem cháu có đi học không thì được khẳng định chắc chắn cháu đã đi học. Sau khi các cô giáo chia nhau đi tìm, tôi nghe ngoài cổng có người nói "G.H bị sao rồi này" thì liền chạy ra và thấy một người đàn ông bế cháu mình, khi đó đã tím tái" - anh Đức Anh nghẹn ngào kể thêm.
Bà ngoại của bé H. cho biết sáng 29-5, khi xe đưa - đón của nhà trường đến, bà đã dẫn H. ra tận cửa xe và cháu đã ngồi vào hàng ghế thứ 2, vị trí mà cháu thường ngồi. Theo bà, thường ngày, xe của trường sẽ đón và trả học sinh về nhà cho gia đình nhưng hôm xảy ra vụ việc, do trường làm lễ tổng kết năm học nên phụ huynh phải đến trường đón con. "Tôi tức tốc điện thoại cho cô giáo đã đón cháu tôi vào buổi sáng để hỏi tình hình thì cô nói: "Bà đợi cháu kiểm tra lại". Ai ngờ, cháu tôi bị bỏ quên trên ô tô cả ngày trời mà không ai hay biết" - bà ngoại H. tức tưởi trong nước mắt.
Bà Đinh Thị Hằng cũng phản ánh từ trước tới nay, rất ít khi nhà trường thực hiện việc ký bàn giao học sinh với giáo viên của xe đưa - đón. Ngay việc kết nối thông tin giữa phụ huynh và nhà trường về việc trẻ có đến lớp hay không cũng không có. Vì thế, ngày cháu H. gặp nạn, không có bất cứ thông tin nào gửi về cho bà ngoại của cháu.
Anh Nguyễn Ngọc Thái (37 tuổi), người trực tiếp cạy cửa để cô giáo vào trong xe bế bé H. ra ngoài, kể vào khoảng 18 giờ ngày 29-5, anh đến đón con thì thấy 2 cô giáo đang loay hoay mở cửa ô tô. Anh đã hỗ trợ các cô mở cửa và rụng rời chân tay khi nhìn thấy bé H. trong tình trạng tím tái, tay có vết máu rơm rớm. Theo suy đoán của anh Thái, có thể lúc ở trong xe, cháu đã cố gắng cầu cứu để thoát ra ngoài nhưng cửa kính màu đen nên không ai nhìn thấy.
Kịp thời động viên, chia sẻ với gia đình
Bộ GD-ĐT ngày 30-5 cho biết ngay khi nhận được thông tin về vụ việc đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình báo cáo sự việc. Đồng thời, yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành những công việc cần thiết để xử lý vụ việc theo đúng quy định; đồng thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ gia đình cháu bé.
Đặc biệt, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm ổn định việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em của Trường Mầm non Hồng Nhung và các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn.
Cần quy định tiêu chuẩn người đưa đón học sinh
Liên quan vụ việc, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, nhìn nhận đây là vụ việc rất đau lòng và không phải lần đầu tiên xảy ra. "Trong thời gian học sinh đến trường mà xảy ra sự việc gì, trách nhiệm đầu tiên là của nhà trường. Học sinh tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa - đón của nhà trường thì nhà trường không thể chối bỏ trách nhiệm, ngoài ra còn có trách nhiệm của tài xế..." - bà Nga chỉ rõ.
Về việc QH có nên giám sát chặt mô hình xe dịch vụ cũng như quy định chế tài quản lý và trách nhiệm của trường học, địa phương với mô hình này hay không, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng nếu vấn đề nào cũng đưa ra giám sát tối cao thì không đủ thời gian và nhân lực. Tuy nhiên, tùy tình hình của địa phương, các đoàn ĐBQH các tỉnh, thành có thể tiến hành giám sát vấn đề này.
ĐB Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chia sẻ rằng ông "rất đau xót". "Trách nhiệm trước hết của người đưa đón, cô giáo chủ nhiệm... Có một điều đáng nói là mỗi khi xảy ra sự việc đau lòng, chúng ta lại ngồi kiểm điểm nhau, nhưng đó là một mạng người! Hơn nữa, cũng cần xem xét trách nhiệm của cả người đứng đầu cơ sở giáo dục" - ĐB Tạ Văn Hạ bức xúc.
Nhắc lại vụ việc cháu bé tử vong trên xe đưa - đón ở TP Hà Nội vào năm 2019, ĐB Hạ cho rằng qua đó đã thấy rõ trách nhiệm của tài xế và người làm nhiệm vụ đưa đón. Những người liên quan cũng đã bị xử lý hình sự nhưng có lẽ chưa đủ nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, ĐB Hạ đề xuất tăng cường, bổ sung hình phạt để bảo đảm tính răn đe, song song đó là bổ sung các quy định pháp luật về tiêu chuẩn của người được phân công đưa đón học sinh.
Văn Duẩn - Huy Thanh
Bình luận (0)