Những ngày cuối tháng 7, các doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô trong nước, giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng đều hồi hộp chờ thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước từ ngày 1-8. Bởi, tại tờ trình gửi Chính phủ trong tháng 7, Bộ Tài chính đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nguyên nhân là do nhiều bộ, ngành lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ vi phạm cam kết quốc tế.
Lo vi phạm cam kết quốc tế
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng giải pháp giảm lệ phí trước bạ chỉ là biện pháp tạm thời vì chỉ thực hiện trong thời gian ngắn. Nếu thực hiện sẽ dẫn đến nguy cơ bị xử phạt do vi phạm các hiệp định quốc tế. Do đó, cần có phân tích, đánh giá thêm về việc giảm lệ phí này ảnh hưởng như thế nào trong 6 tháng cuối năm và có nên giảm phí này hay không.
Còn Bộ Công Thương dẫn chứng quy định của thỏa thuận về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nếu Việt Nam bị kiện và kết luận vi phạm các quy định của WTO về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì Việt Nam phải dừng ngay các biện pháp vi phạm theo các kết luận và khuyến nghị của cơ quan giải quyết tranh chấp trong WTO.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong trường hợp áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước thì cần có biện pháp ngoại giao phù hợp để tránh bị ảnh hưởng uy tín với các đối tác thương mại, dẫn đến khả năng bị khiếu kiện trả đũa. Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát kỹ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trước những lo ngại của các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án.
Phương án thứ nhất, cân nhắc không thực hiện giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Còn phương án thứ hai là vẫn giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng như tờ trình trước đó.
Giải pháp phù hợp
Trong khi đó, các hãng lắp ráp ô tô trong nước vẫn đang trông ngóng việc giảm lệ phí trước bạ để giúp thị trường ô tô và DN tăng trưởng trở lại. Đại diện hãng Toyota Việt Nam cho rằng nếu lệ phí trước bạ giảm từ ngày 1-8 như kế hoạch sẽ giúp DN ô tô giảm bớt gánh nặng về tài chính đáng kể cũng như tạo được sức hút thị trường. Mức giảm có thể không nhiều so với những ưu đãi khác nhưng giúp tâm lý người tiêu dùng thoải mái hơn.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng tin rằng việc giảm lệ phí trước bạ nếu được thực hiện sẽ rất tốt cho thị trường và nên thực hiện sớm. Bởi, giảm 50% lệ phí trước bạ cũng chỉ chiếm 5% giá trị xe, trong khi các loại thuế khác chiếm đến 50% giá trị xe nên khi lượng xe bán ra tăng lên sẽ giúp thu ngân sách tăng lên rất lớn.
Còn nếu tiếp tục trì hoãn, khách hàng có tâm lý chờ đợi, dẫn đến sức tiêu thụ chững lại, xe tồn kho tăng lên, dòng tiền của hãng cũng như khách hàng cũng đóng băng. "Luồng tiền bị tắc, kế hoạch kinh doanh không đạt, các hãng phải điều chỉnh lại kế hoạch năm sau" - đại diện VAMA phân tích.
Các hãng xe và đại lý đều cho biết từ khi thông tin giảm lệ phí trước bạ xuất hiện đến nay, doanh số ô tô lắp ráp trong nước vốn đã ảm đạm lại càng èo uột hơn do nhiều khách hàng đã hoãn kế hoạch mua xe để chờ giảm lệ phí trước bạ.
Theo số liệu bán hàng được VAMA công bố, doanh số xe trong tháng 6-2024 đạt tổng cộng 26.575 ô tô các loại. Trong đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm 13.613 xe, giảm 1% so với tháng trước nhưng vẫn nhiều hơn lượng xe lắp ráp trong nước đã bán ra thị trường (12.962 xe). Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp người tiêu dùng trong nước mua sắm các dòng xe nhập khẩu nhiều hơn xe lắp ráp trong nước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh số xe lắp ráp đạt 67.849 chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong khi nhóm ô tô nhập khẩu đã bàn giao 67.035 xe cho khách hàng trong nước, tăng tới 16%.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng việc giảm lệ phí trước bạ không phải vấn đề mới, bởi đã được thực hiện nhiều lần nhưng chưa thấy DN hay tổ chức quốc tế nào phản ứng. Do đó, "nếu giảm được thì nên giảm" để tốt cho thị trường lẫn người tiêu dùng.
Liên quan đến việc giảm thu ngân sách nếu giảm lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước, PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, phân tích khi giảm lệ phí trước bạ, nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng lên, việc thu các loại thuế khác sẽ nhiều hơn nên thu ngân sách sẽ tăng chứ không giảm. Để tránh kiện tụng quốc tế, có thể áp dụng giảm lệ phí trước bạ cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc lẫn xe lắp ráp để không bị cho là vi phạm các cam kết quốc tế.
ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, nhận xét mức lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước hiện chiếm 10% giá trị xe được cho là quá cao so với các quốc gia trong khu vực (tại Thái Lan 2%, Malaysia 5% - 10%, Indonesia 3% - 10% tùy loại xe).
Vì vậy, ThS Trần Anh Tùng đề nghị Chính phủ có thể xem xét giảm mức lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước xuống mức 5% - 7%, tương đương với các nước trong khu vực. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và DN sản xuất.
Cũng theo ThS Trần Anh Tùng, giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng, kích thích nhu cầu mua xe và thúc đẩy thị trường ô tô trong nước phát triển. Các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có động lực để đầu tư, mở rộng sản xuất. "Giảm lệ phí trước bạ lúc này có lợi nhiều hơn hại, thay vì tuân thủ cứng nhắc theo các cam kết quốc tế có thể làm thị trường ô tô đóng băng rồi mới tìm cách phá băng" - chuyên gia này nêu quan điểm.
Bình luận (0)