Đây là hiệp định bàn về tự do thương mại giữa các quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương. Nhật Bản là quốc gia thứ 12 cam kết sẽ tham gia TPP vào cuối năm 2013. Theo tính toán, GDP của nhóm các nước trong TPP sẽ chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu với 29.000 tỉ USD, chiếm 30% xuất khẩu và 20% nhập khẩu nông sản thế giới và tạo ra thế lực rất lớn về kinh tế.
Nhiều cái lợi
Các thành viên TPP đều là những nước có nền kinh tế lớn, chỉ có Việt Nam và Peru là còn khó khăn. Vậy Việt Nam sẽ nhận được gì khi tham gia TPP? Theo nhận định từ các chuyên gia tại hội thảo “Tận dụng TPP để phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu và Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phối hợp tổ chức ngày 10-7 tại TP HCM,
Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong các nước tham gia TPP.
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở vì Việt Nam vẫn còn là nước thâm dụng lao động để sản xuất các mặt hàng có công nghệ thấp như dệt may, da giày và hàng nông sản. Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ bán được nhiều hơn các mặt hàng này với thuế suất 0% thay vì 17%-30%. Bên cạnh đó, một dòng chảy về vốn FDI cũng sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn để tận dụng các ưu đãi về thuế, cùng với đó là sự chuyển giao công nghệ từ khối FDI.
Các chuyên gia còn nhận định chương trình đổi mới sẽ tạo điều kiện cho nhà nước có thể xây dựng hạ tầng, nới lỏng các hạn chế về hàng hóa, năng lực con người. Về chiến lược, TPP cũng tạo cú hích như đổi mới, kích thích từ phía bên ngoài để thúc đẩy nền kinh tế.
Điểm yếu của các công ty Việt Nam là chưa tận dụng được các mối quan hệ với khách hàng nước ngoài. Hiện nhiều doanh nghiệp Mỹ đang rời Trung Quốc và di chuyển xuống Đông Nam Á. Do đó Việt Nam cần phải tranh thủ cơ hội này.
Có điều kiện
Ông Herb Cochran, Phòng Thương mại Mỹ, cho rằng nếu Việt Nam không tham gia TPP thì đến năm 2025, xuất khẩu chỉ đạt 239 tỉ USD; nhưng tham gia TPP sẽ tăng thêm 67,9 tỉ USD, tức 307 tỉ USD. Trong đó mặt hàng dệt may và da giày sẽ có mức tăng cao nhất với 45,9%. Việt Nam còn có nhiều thế mạnh về xuất khẩu hải sản đông lạnh. Hiện mặt hàng này khi xuất khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế 28%, nhưng nếu có TPP sẽ không phải chịu thuế, tạo sự cạnh tranh rất lớn về giá so với các sản phẩm cùng loại khác.
TPP sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam song nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí của nguyên tắc ứng xử quốc gia, xuất xứ hàng hóa thì sẽ không thể tận dụng được cơ hội để tăng lượng hàng xuất khẩu. Chẳng hạn với dệt may, nếu doanh nghiệp trong nước không triển khai nhanh chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên liệu, giảm tối đa việc sử dụng vải sợi từ Trung Quốc thì sẽ khó thoát khỏi gia công để hướng đến ngành dệt may có giá trị gia tăng cao. Để làm được việc này, bản thân các doanh nghiệp cần tìm hiểu nhiều hơn về TPP. Số liệu thực tế cho thấy sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, chính các doanh nghiệp FDI hưởng được lợi lớn nhất từ các cam kết.
Bình luận (0)