Mặc cho kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2015 thấp, nhưng do hội tụ nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp ký, nên nhiều chuyên gia và nhà điều hành chính sách dự báo khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái.
Sụt giảm chỉ là nhất thời?
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, cho thấy trong quý I/2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm chỉ đạt 1,83 tỉ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ năm trước. Do không xuất hiện các dự án tỉ đô (dự án lớn nhất trong quý I chỉ có 300 triệu USD, thuộc Công ty TNHH Worldon - Việt Nam, sản xuất hàng may mặc cao cấp) nên số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm mạnh. Riêng đầu tư từ Nhật Bản, trong quý I vừa qua chỉ thu hút được 294 triệu USD so với 414 triệu USD của cùng kỳ năm trước, điều này trái với kết quả điều tra năm 2014 cho thấy khoảng 70% doanh nghiệp (DN) nước này thể hiện muốn tiếp tục đầu tư ở Việt Nam và cho biết đầu tư của họ đều có lãi tốt. Điểm tích cực trong quý vừa qua là số lượt dự án cấp mới, tăng vốn nhiều hơn cùng kỳ năm trước; tốc độ giải ngân cũng khả quan hơn, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 3,05 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, việc sụt giảm dòng vốn FDI trong quý I chỉ là nhất thời, chưa đáng lo vì quý I năm ngoái có 10 dự án cấp mới với tổng vốn hơn 1 tỉ và nhiều dự án tăng vốn lên tới 2 tỉ USD. Còn trong quý I năm nay, các dự án lớn vẫn đang trong quá trình đàm phán, chuẩn bị nên chưa được cấp phép. Bên cạnh đó, một số DN vẫn đang trong khuynh hướng chờ đợi luật mới nên chưa đầu tư. Mặc dù vốn FDI quý I giảm, nhưng Cục Đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng thu hút vốn FDI trong năm nay, bởi niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì, thể hiện ở con số giải ngân ổn định và các yếu tố thuận lợi như hội nhập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ có tác động tích cực.
Xu hướng muốn chuyển sang Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, trăn trở: “Qua các cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, EU, tôi thấy xu hướng DN nước ngoài muốn sang Việt Nam sản xuất, nhất là nhà đầu tư Mỹ muốn chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định FTA, nhiều sắc thuế cũng giảm theo lộ trình tạo thêm lợi ích cho DN… đó là những cơ hội lớn đừng để lỡ trong việc thu hút mạnh dòng vốn FDI”.
Ông Nguyễn Văn Toàn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có ý kiến về những tác động của Thông tư 20 của Bộ Khoa học Công nghệ trong việc hạn chế sử dụng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Hầu hết nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thông tư có mấy điểm rất khó thực hiện, như: việc đánh giá thiết bị nếu đạt 80% và phải sản xuất từ 10 năm trở lại mới được nhập khẩu là rất khó bởi thiết bị dây chuyền ở mỗi ngành có tuổi thọ khác nhau. Vì vậy, cần sửa đổi Thông tư 20 theo hướng thông thoáng hơn cho môi trường đầu tư nhưng vẫn ngăn ngừa được khả năng biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, đồng thời bảo đảm được hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Bình luận (0)