* Phóng viên: Thưa ông, tại Hội nghị Tín dụng Bất động sản, các doanh nghiệp đã đề xuất những vấn đề gì?
- Có hơn 10 vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản nêu ra tại hội nghị. Dưới góc độ quyền lợi doanh nghiệp và một ngành, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đề xuất khá nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Điều này cũng hợp lý nhưng cần phải xem xét các đề xuất này có được pháp luật cho phép hay không, đồng thời phải bảo đảm tính khách quan của nền kinh tế.
* NHNN tán thành và không tán thành những đề xuất nào, thưa ông?
- Dưới góc độ quản lý, NHNN cần nghiên cứu xem xét một cách tổng thể các vấn đề mà doanh nghiệp bất động sản đã đề xuất. Vấn đề nào chỉnh sửa được, NHNN sẽ làm ngay, còn không thì báo cáo, đề xuất với cấp trên.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú trả lời Báo Người Lao Động
* Vậy giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và định hướng của NHNN cho vay bất động sản là gì?
- Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận tín dụng nhằm góp phần cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trên cơ sở bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa…
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng bất động sản.
Ngoài ra, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM, khó khăn của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu. Do đó, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn rất cần sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp.
Nhiều vấn đề được doanh nghiệp bất động sản kiến nghị lên NHNN:
- Xem xét bổ sung gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỉ đồng trước đây.
- Nới room tín dụng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng.
- Giảm dần lãi suất cho vay vốn.
- Duy trì tỉ lệ tài sản bảo đảm như các khoản vay thông thường đối với các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý.
- Tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn.
- Có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
- Cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng.
- Xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong 12-24 tháng, hoặc 24-36 tháng; giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.
- Làm rõ hướng dẫn quy định về mục đích được phép vay nước ngoài bởi doanh nghiệp FDI trong giai đoạn tiền đầu tư trước khi có giấy phép thường sử dụng những khoản vay ngắn hạn từ nước ngoài.
- Xem xét cho phép công ty con được vay các khoản vay nước ngoài, tức cho phép công ty mẹ trực tiếp vay các khoản vay nước ngoài để đầu tư vào các công ty con...
B.T.Q
Bình luận (0)