Nguyễn Mạnh Hùng (TP HCM), hỏi: Theo quy định pháp luật hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối bị xử lý như thế nào?
Luật sư Cao Thế Luận, Công ty TNHH Luật Kao Kiến, trả lời: Hành vi không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Theo khoản 3 điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Căn cứ quy định trên, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc Covid-19 mà không kịp thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối khiến lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó, mức phạt của người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Ngoài hành vi trên, các hành vi như: Không tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; hành vi đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19; hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh Covid-19; hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh Covid-19; hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh Covid-19; hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19; hành vi không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường thuộc diện không cần thiết; hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh Covid-19; hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khấn cấp dịch bệnh Covid-19; hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ốn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện; hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép; hành vi cản trở, chống lại người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận (0)