Tại TP HCM đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Đây cũng được xem là ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, để hiểu cơ chế lây lan, biến chứng của bệnh, Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP HCM về vấn đề này.
- Phóng viên: Tại TP HCM đã xuất hiện ca bệnh đầu tiên, xin PGS cho biết điều này có nguy cơ trở thành làn sóng dịch giống như dịch COVID-19 vừa qua hay không?
+ PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng: Nếu có cảnh giác thì khả năng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ rất thấp, khác hẳn với COVID-19. COVID-19 có thể bị lây khi đi ra ngoài mà không biết và không biết mình lây từ ai. Còn đậu mùa khỉ chắc chắn khi tiếp xúc là mình biết nên việc truy vết dễ hơn, nhiễm khó hơn nên người dân cũng không quá hoang mang.
Tuy nhiên, cần phải cảnh giác. Nếu phát hiện người có các dấu hiệu như phát ban, sưng hạch thì nên tránh tiếp xúc và khuyên họ đi khám để kịp thời cách ly, điều trị. Riêng nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tôi tin ở Việt Nam cộng đồng LGBT thuộc nhóm có kiến thức, trách nhiệm với xã hội nên họ cũng thường tự giác bảo vệ cho chính họ và những người chung quanh.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam có các tổ chức dự báo cộng đồng. Những tổ chức này có kinh nghiệm trong việc giáo dục và hỗ trợ nhóm người trong cộng đồng có xu hướng tình dục thiểu số và những người này cũng góp phần lan truyền thông tin để giúp cho cộng đồng MSM cảnh giác hơn và tránh lây lan trong cộng đồng của họ.
Về cơ chế lây lan, nếu ở châu Phi chủ yếu mắc bệnh do tiếp xúc gần với động vật như bị cắn, cào, ăn thịt động vật. Tuy nhiên, ghi nhận ở những nước ngoài châu Phi đa số ca bệnh lây qua quan hệ tình dục đồng giới.
- Như chia sẻ, bệnh không đáng lo ngại, tuy nhiên, vì sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại ban bố tình trạng khẩn cấp và khiến nhiều người sợ hãi, thưa ông?
Đầu tiên phải nói, tại sao mình quan tâm và tại sao mình không quá sợ hãi? Quan tâm là vì trước đây bệnh chủ yếu chỉ có ở châu Phi nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện ở châu Âu và một số quốc gia khác. Bên cạnh đó, có sự khác thường về dịch tễ. Qua theo dõi trong 4 năm qua, có 50 đột biến khác, trong đó, chắc chắn sẽ có những đột biến khiến bệnh phức tạp hơn. Cùng với đó, bệnh này đã lan ra nhiều quốc gia với số ca nhiễm cao, đây là sự gia tăng bất ngờ. Đặc biệt, bệnh khiến sợ hãi vì nếu không kiểm soát thì sẽ lây lan cho người khác đầu tiên là quan hệ tình dục đồng giới. Người này có thể có bạn tình khác giới có thể lây cho vợ dù tỉ lệ thấp nhưng vẫn tồn tại. Thậm chí, hiện ở châu Phi bệnh lưu hành ở động vật nếu lây lan không kiểm soát thì sẽ lây lan cho động vật tại chỗ.
Giả sử, tại Việt Nam, người bị nhiễm lây cho động vật ở Việt Nam thì lúc đó, sẽ trở thành bệnh lưu hành ở Việt Nam giống như đang lưu hành ở châu Phi. Do đó, việc quan tâm và cảnh báo là phù hợp. Tuy nhiên, khác với COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng rõ ràng như sốt, đau cơ, phát ban... Như vậy sẽ biết được người nào nhiễm để thực hiện các biện pháp cách ly và nguy cơ lây lan không nhiều. Ngoài ra, khác với COVID-19 có hiện tượng siêu lây nhiễm, tức là 1 người có thể lây nhiều người nhưng đậu mùa khỉ không lây lan chuyên biệt cho người. Vì vậy, mọi người nên cảnh giác, không quan hệ tình dục với người nghi có bệnh. Và với biện pháp thông thường hoàn toàn có thể kiểm soát đậu mùa khỉ.
- Thưa ông, cơ chế lây bệnh, triệu chứng, thời gian ủ bệnh, phát bệnh và biến chứng kèm theo của bệnh này là gì?
Bệnh do virus gây ra và nó tương tự như virus đậu mùa nên đường lây và có các triệu chứng tương tự như đậu mùa thông thường ở người. Thời gian ủ bệnh từ 5-14 ngày, có triệu chứng như: toàn thân như sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, nổi hạch cổ, nách, bẹn tùy đường xâm nhập. Sau đó, phát ban chuyển thành mụn nước, mụn mủ, kéo dài từ 1-2 tuần. Nó sẽ đóng mày từ từ rồi mất đi nhưng tạo thành vệt trắng và trở thành sẹo sậm màu. Tuy nhiên, đây là đậu mùa của động vật nên khả năng lây và gây nặng cho người không cao nên khả năng tử vong thấp. Ở châu Phi. tỉ lệ tử vong từ 1% -10%, nếu điều trị tốt tỉ lệ tử vong giảm. Ở châu Âu bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị tốt nên tỉ lệ tử vong thấp hơn ở châu Phi.
Bệnh lây lan theo cách cổ điển là người săn bắn, tiếp xúc gần với động vật như bị cào, cắn, ăn thịt động vật. Lây nhiễm chủ yếu do dịch của động vật dính vào các vết trầy xước của cơ thể người. Còn lây từ người sang người là qua tiếp xúc gần qua nước bọt của người bệnh khi ho, khạc sẽ văng vào mắt, mũi. Ngoài ra, âu yếm, quan hệ tình dục thì có thể bị lây nhiễm.
- Thưa PGS, tại sao đậu mùa khỉ chỉ lây nhiễm chủ yếu cho nam khi quan hệ tình dục đồng giới?
Bệnh đậu mùa khỉ lây theo nhiều cách khác nhau tùy theo khu vực. Với nơi có lưu hành bệnh từ trước thường lây từ động vật qua. Còn lây từ người sang người hiện nay chủ yếu là người quan hệ tình dục đồng giới. Bản thân việc quan hệ tình dục đồng giới không phải điều lo ngại mà quan trọng là mức độ tiếp xúc với người lạ của nhóm này. Đa số người quan hệ tình dục đồng giới hơi bị kỳ thị nên thường tìm bạn tình ở trên mạng, app. Cơ hội quan hệ tình dục hiếm nên đôi khi họ quan hệ tình dục đông người. Do đó, mỗi lần quan hệ có thể cùng lúc với nhiều người ở nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau và không loại trừ trong số đó có người mang mầm bệnh đậu mùa khỉ. Đó cũng là một trong các lý do tại sao người nam quan hệ tình dục đồng giới thường có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)