Theo thống kê của ngành y tế TP HCM, số ca F0 trong cộng đồng ngày 16-8 (chiếm 53% so với tổng số ca mắc) cao hơn số ca F0 trong khu phong tỏa (chiếm 41%). Đến ngày 17-8, số ca F0 tại cộng đồng tiếp tục tăng lên từ 53% đến 72% tổng số ca mắc. Đây là lần đầu tiên số ca trong cộng đồng tại TP cao hơn số ca đã được cách ly kể từ ngày 9-7.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP HCM, lý giải một số nguyên nhân như sau:
Phóng viên: Thưa PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, những ngày qua, tỷ lệ F0 trong cộng đồng tăng cao hơn so với khu phong tỏa, theo ông nguyên nhân do đâu?
+ PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng: Theo tôi có hai lý do, thứ nhất là về việc tiếp nhận F0 và thứ hai là không xét nghiệm những người F0 không đầy đủ. Chúng ta đều biết khi F0 bị bệnh mà không được điều trị, cách ly kịp thời thì họ có khả năng lây lan. Bên cạnh đó, một số người không xét nghiệm đầy đủ, ngay cả những trường hợp không có triệu chứng. Tuy nhiên, những người không có triệu chứng rất quan trọng, vì khi họ không có triệu chứng có nghĩa là virus trong người nhiều. Những trường hợp này chủ yếu là ho, hắt xì, như vậy rất dễ lây lan cho xung quanh.
Ngoài ra, còn có một lý do nữa là nguyên nhân cũng như hậu quả của việc này. Nguyên nhân là khi tiếp nhận F0 mình không đủ các cơ sở điều trị, cách ly, thậm chí có những người tới bệnh viện nhưng cũng không được xét nghiệm vì phải có PCR mới được tiếp nhận. Hậu quả là do quá tải việc tiếp nhận F0 từ đó lây ra cộng đồng khi không được xét nghiệm.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng
Phóng viên: TP HCM ngưng xét nghiệm từ khi nào, thưa ông?
+ PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng: TP ngưng xét nghiệm khi quá tải tiếp nhận F0. Không phải tự mình ngưng mà do lây lan cộng đồng nhiều, bệnh viện quá tải. Tôi và nhiều người cũng đề nghị nhà nước xây dựng các khu cách ly tại cộng đồng, nơi đó có thể là trường học được trưng dụng. Khu vực này được đầu tư đúng mức, có giường, có oxy tận giường, có bác sĩ hỗ trợ... Khi mình tiếp nhận được thì mình xét nghiệm được. Mình không thiếu que xét nghiệm, không thiếu tình nguyện viên xét nghiệm, vấn đề là mình không không xử lý được sau khi xét nghiệm. Thật ra, khi xét nghiệm không tiếp nhận tất cả mọi người, mà một số sẽ chuyển về nhà tự cách ly. Nhiều người cũng sẵn sàng tự cách ly ở nhà vì thoải mái hơn, sạch sẽ hơn.
Giả sử, TP có 10.000 trường hợp sau khi xét nghiệm thì không phải tất cả đều sẽ tiếp nhận vào khu này vì tùy vào mức độ, triệu chứng mỗi người. Nhưng ít nhất phải tiếp nhận được 1.000 trường hợp có nguy cơ như khó thở, người lớn tuổi, người có bệnh nền... 9.000 trường hợp còn lại cho họ về nhà theo dõi, bởi 80% F0 là không có triệu chứng và 10% nặng. Tuy nhiên, hiện tại trong số 10% chuyển nặng hệ thống y tế của mình lại đang quá tải, do đó khiến họ rối loạn. Còn nếu ở nhà thì phải để họ cảm thấy an tâm, không bị bỏ rơi.
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP HCM, có đề xuất lấy nhà thi đấu Phú Thọ chuyển thành công năng thành lập một nơi điều trị dã chiến sẽ bớt được quá tải từ phía dưới. Ngoài ra, có nhiều trường học dù không đáp ứng tốt nhưng mỗi quận chuyển công năng một trường học chứa khoảng 100 đến 200 giường là đủ sức cho những người có nguy cơ cao để không quá tải và cung cấp đủ oxy.
Những bệnh nhân vào khu này là có triệu chứng, người lớn tuổi, có bệnh nền... cần phải thở oxy. Nhóm người này thường phải có hệ thống y tế chăm sóc, và ở cơ sở này chăm sóc không khó, mình có thể nhờ sự hỗ trợ của người tình nguyện, sinh viên y khoa để tham gia phục vụ cho họ.
Bình luận (0)