Chiều 2-7, Zalopay đã chính thức công bố định hướng và diện mạo mới qua sự kiện "Mở giới hạn. Mới trải nghiệm", diễn ra tại TP HCM.
Sau hơn 6 năm phát triển, Zalopay đã có hơn 14 triệu người dùng, cung cấp danh mục sản phẩm hơn 100 dịch vụ tiện ích. Bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc Zalopay, cho biết từ cuối năm 2023, Zalopay được đặt mục tiêu phát triển theo hướng mở rộng thành một nền tảng thanh toán, thoát khỏi mô hình ví điện tử truyền thống để tạo sự khác biệt và giá trị cho cả người dùng và các đối tác.
"Việc ra mắt tính năng và diện mạo mới chỉ trong vòng 6 tháng là một thử thách rất lớn trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Việc chuyển mình thành công minh chứng cho khả năng thích ứng với thử thách của Zalopay", bà Lan Chi nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc cạnh tranh giữa Zalopay với quét mã QR, nhất là VietQR? CEO của Zalopay cho biết ví von cạnh tranh là khập khiễng vì VietQR là tiêu chuẩn thanh toán mà các tổ chức tín dụng cùng sử dụng. Zalopay không phải đối thủ của VietQR.
"Từ nhiều năm trước, tôi thấy rằng việc mỗi điểm chấp nhận thanh toán phải đặt một mã QR khác nhau là điều lãng phí và việc cần thiết có một chuẩn QR chung để khách hàng có thể thuận tiện sử dụng là cần thiết. Thái Lan, Indonesia hay Ấn Độ cũng đều có chuẩn quét mã QR chung. Tại Việt Nam, sau khi có VietQR thì các ví như Zalopay cũng bắt tay với VietQR để tạo thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán", bà Lan Chi nói.
Theo đó, ngay từ tháng 7-2023, thay vì theo đuổi hệ sinh thái đóng với tiêu chuẩn kỹ thuật của riêng mình, Zalopay đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong hợp tác cùng NAPAS ra mắt sản phẩm đột phá Zalopay QR Đa Năng, chấp nhận thanh toán từ mọi ứng dụng ngân hàng và ví điện tử. Zalopay cũng tiếp tục hợp tác với các đối tác lớn để mở thêm nhiều phương thức thanh toán qua ứng dụng ngân hàng, thẻ quốc tế, thẻ ATM, Apple Pay.
Ghi nhận của phóng viên, cạnh tranh trên thị trường thanh toán điện tử ngày càng gay gắt. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết quý 1/2024, có hơn 50 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử. Trong đó, một số "ông lớn" chiếm thị phần đáng kể như MoMo, Zalopay, ShopeePay (trước đây là AirPay), Viettel Money, VNPAY, VTCPay...
MoMo hiện có khoảng 31 triệu người dùng, Zalopay hơn 14 triệu người dùng, trong khi những ví khác cũng có hàng triệu người dùng. Các ví không chỉ cạnh tranh về công nghệ thanh toán, còn đầu tư tiếp thị, khuyến mãi, "đua" mời gọi các merchant (hộ kinh doanh, tiểu thương, nhà bán hàng) lên ví (có thu phí) để tăng tiện ích cho người dùng…
Bình luận (0)