xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hỗn loạn lan rộng ở Syria

ANH THƯ

Lực lượng nổi dậy đã chiếm 2 thành phố quan trọng là Aleppo và Hama kể từ khi phát động cuộc tấn công vào tuần rồi

Hàng ngàn người đã tháo chạy khỏi TP Homs để tìm đến các vùng ven biển phía Tây - thành trì của chính phủ Syria - trong đêm 5-12 và ngày 6-12 giữa lúc lực lượng nổi dậy tìm cách mở rộng cuộc tấn công chớp nhoáng vào lực lượng chính phủ về phía Nam. 

Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vào tuần rồi, lực lượng do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu này đã chiếm được các thành phố trọng yếu Aleppo ở phía Bắc và Hama ở miền Trung, giáng đòn mạnh vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Một quan chức quân đội Syria hôm 6-12 cho Reuters biết máy bay Nga đã phá hủy cầu Rustan trên tuyến đường cao tốc quan trọng M5 nhằm ngăn chặn lực lượng nổi dậy sử dụng tuyến đường chính này để tiến vào Homs. 

Ngoài ra, lực lượng tiếp viện đang củng cố các vị trí quanh Homs. Hai nguồn tin an ninh Lebanon cho biết phong trào Hezbollah đã cử một số lượng nhỏ "lực lượng giám sát" từ Lebanon sang Syria trong đêm để giúp ngăn chặn quân nổi dậy chiếm Homs. 

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Iran tiết lộ nước này đang có kế hoạch gửi tên lửa và máy bay không người lái đến Syria, cũng như tăng cường số lượng cố vấn quân sự để hỗ trợ chính phủ Tổng thống Assad trong cuộc chống lực lượng nổi dậy.

Các tay súng nổi dậy hiện diện ở TP Hama - Syria hôm 5-12. Ảnh: REUTERS

Các tay súng nổi dậy hiện diện ở TP Hama - Syria hôm 5-12. Ảnh: REUTERS

Trước khi nhắm đến Homs, quân nổi dậy đã giành quyền kiểm soát TP Aleppo vào tuần rồi và mới đây là TP Hama. Quân đội Syria hôm 5-12 xác nhận họ phải rút khỏi Hama sau khi quân nổi dậy xâm nhập một số khu vực của thành phố. Hama nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, cung cấp các tuyến đường tiếp tế trực tiếp giữa thủ đô Damascus và TP Aleppo. 

Trong khi đó, Homs là thành phố tiếp theo về phía Nam trên tuyến cao tốc dẫn đến Damascus. Một số chuyên gia nhận định việc mất Homs có thể khiến Damascus trở thành mục tiêu dễ dàng hơn.

Trong cuộc phỏng vấn được đài CNN đăng tải hôm 6-12, Abu Mohammad al-Jolani, thủ lĩnh nhóm HTS, cho biết mục tiêu của phe nổi dậy là lật đổ Tổng thống Assad, lập chính phủ dựa trên các thể chế và một hội đồng được người dân lựa chọn. 

Nhân vật này cũng bày tỏ mong muốn các lực lượng nước ngoài rời Syria sau khi đạt được các mục tiêu trên. Hiện nay, có các lực lượng từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran cùng với các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở tại Syria. Ông cũng nói đến mục tiêu đưa người tị nạn Syria trở về quê hương từ Lebanon và châu Âu.

Dù vậy, theo đài CNN, mối liên hệ của HTS và ông Jolani với các phong trào Hồi giáo cực đoan đã phủ bóng lên tham vọng của ông. HTS là một nhóm được thành lập từ một nhánh trước đây của al-Qaeda. 

Mặc dù ông Jolani đã cố gắng tách nhóm của mình ra khỏi al-Qaeda, HTS vẫn bị Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Quốc và một số quốc gia phương Tây khác xem là khủng bố. Riêng Mỹ còn treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ ông này. 

Tuy nhiên, theo ông Jolani, động thái xem HTS là khủng bố là không chính xác và chủ yếu mang tính chính trị. Ông này cũng khẳng định chưa bao giờ tham gia trực tiếp vào các cuộc tấn công nhằm vào dân thường trong lúc HTS khẳng định không phải là mối đe dọa đối với phương Tây.

Trong diễn biến đáng lo ngại khác đối với chính phủ Tổng thống Assad, lực lượng người Kurd ở Syria và được Mỹ hậu thuẫn hôm 6-12 cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã kiểm soát một số khu vực ở miền Đông Syria. IS từng kiểm soát nhiều lãnh thổ ở Iraq và Syria cho đến khi bị một liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh bại hồi năm 2017. 

Liên Hiệp Quốc kêu gọi đối thoại

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres hôm 5-12 kêu gọi đối thoại nghiêm túc nhằm chấm dứt giao tranh ở Syria. Ông Guterres cho biết đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về những diễn biến mới tại Syria, đồng thời nhấn mạnh cần cấp thiết viện trợ nhân đạo cho người dân và tất cả các bên có nghĩa vụ bảo vệ dân thường theo luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo LHQ kêu gọi quay trở lại tiến trình chính trị được LHQ hậu thuẫn nhằm chấm dứt xung đột. Cụ thể, sau 14 năm xung đột, đã đến lúc tất cả các bên phải nghiêm túc cùng với Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen đề ra cách tiếp cận mới, toàn diện và bao trùm để giải quyết cuộc khủng hoảng theo Nghị quyết 2254 (năm 2015) của Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Đại sứ quán Trung Quốc tại Syria khuyến cáo công dân Trung Quốc trở về nước hoặc rời khỏi đó càng sớm càng tốt khi các chuyến bay thương mại vẫn đang hoạt động. Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết thêm giao tranh ở miền Tây Bắc Syria đang gia tăng và tình hình an ninh ở quốc gia này ngày càng xấu đi.

Xuân Mai


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo