Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết đã cùng 63 hội đồng thi trên cả nước chuẩn hóa cơ sở dữ liệu điểm thi bảo đảm chính xác, bảo mật.
Tránh sự cố về kỹ thuật trong tra cứu điểm thi
Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động tra cứu điểm thi của thí sinh; tránh để xảy ra các sự cố về kỹ thuật trong quá trình tra cứu điểm thi.
Thí sinh có thể tra cứu kết quả thi qua website của sở GD-ĐT các tỉnh, thành; tại hệ thống quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT hoặc qua website báo chí.
Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 cùng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.
Sau khi hoàn tất tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống website, nhận thấy điểm thi có sự bất thường, kết quả có nhiều khác biệt so với kết quả ước tính được trước đó, thí sinh có thể làm đơn phúc khảo trong thời gian từ ngày 17 đến 26-7.
Chậm nhất đến ngày 23-7, các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh. Đối với các trường hợp phúc khảo, việc xét tốt nghiệp chậm nhất ngày 9-8.
Chiến thuật tăng cơ hội trúng tuyển
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, từ ngày 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7, thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần. PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay toàn bộ quy trình xét tuyển - từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học - đều tiến hành trực tuyến.
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, phải thực hiện hết quy trình trên hệ thống, không được dừng lại và thoát ra giữa chừng. "Điểm quan trọng nhất khi các em đăng ký xét tuyển là phải hoàn thành đầy đủ quy trình và bấm nút kết thúc để hệ thống ghi nhận tất cả nguyện vọng các em đã đăng ký. Thí sinh phải thực hiện cho đến hết quy trình, khi hệ thống báo những nguyện vọng này đã được xác nhận. Việc dừng lại và thoát ra khỏi hệ thống giữa chừng sẽ khiến các thao tác của thí sinh chưa được ghi nhận" - PGS-TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Tương tự, với việc điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh phải chú ý thực hiện thao tác đến bước cuối cùng. Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, mùa tuyển sinh năm trước đã ghi nhận có trường hợp thí sinh điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng nhưng không thực hiện đến bước cuối cùng nên hệ thống không ghi nhận được thay đổi mà quay trở lại nguyện vọng đăng ký trước.
Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Do đó, thí sinh không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng.
Để tăng cơ hội trúng tuyển, bà Nguyễn Thu Thủy đưa ra lời khuyên: Thí sinh không nên đặt tất cả nguyện vọng vào những ngành, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. "Bởi khi đó, nếu không đỗ các nguyện vọng đầu thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cao cũng khó trúng tuyển. Thay vào đó, thí sinh nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường tốp đầu, tốp trung - phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển cao hơn" - PGS-TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.
Công bố điểm chuẩn trước 17 giờ ngày 19-8
Bộ GD-ĐT cho hay từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Chậm nhất là 17 giờ ngày 19-8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đợt 1. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống trước ngày 28-8. Đối với các thí sinh thuộc diện tuyển thẳng, việc xác nhận trên hệ thống cũng là một yêu cầu bắt buộc, thời gian từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 31-7.
Bộ GD-ĐT cung cấp dữ liệu điểm thi cho một số cơ quan báo chí để phục vụ thí sinh tra cứu. Thí sinh có thể tra cứu điểm trên Báo Người Lao Động tại địa chỉ https://nld.com.vn/tra-cuu-diem-thi-thpt-2024.htm.
Bình luận (0)