Ngày 5-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để bàn giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Mỹ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam bị áp thuế 46%.
Tăng cường chống gian lận thương mại
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đánh giá tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan (CSTQ) mới. Các ý kiến tại cuộc họp đã thống nhất thời gian qua, Việt Nam đã rất thiện chí, chủ động, tích cực trong việc cân bằng thương mại với Mỹ; thúc đẩy nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao và các cấp.
Lãnh đạo Chính phủ có các cuộc làm việc với các doanh nghiệp (DN), chuyên gia Mỹ để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất của DN Mỹ; thúc đẩy triển khai các dự án tại Việt Nam và xúc tiến đàm phán nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa từ Mỹ; điều chỉnh một số sắc thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này. Các đại biểu dự họp đề nghị tiếp tục đối thoại chặt chẽ, đề nghị Mỹ xem xét lại và điều chỉnh CSTQ đối với Việt Nam. Các bộ, ngành đề xuất có các giải pháp, hỗ trợ kịp thời cho các DN, ngành hàng trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi CSTQ của Mỹ. Đặc biệt, cần tăng cường chống gian lận thương mại, nhất là chống việc nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết diện thuế áp dụng rộng với các nhóm hàng chủ lực sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam có thể xem xét giảm thuế cho các sản phẩm của Mỹ, nhất là các sản phẩm nông nghiệp; mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, Việt Nam đàm phán để Mỹ giảm thuế tương ứng cho các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của chúng ta vào Mỹ.

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Giày Universe Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xem xét điều chỉnh giảm thuế phù hợp
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc Mỹ thực hiện CSTQ mới có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế Việt Nam, do đó cần tiếp tục nỗ lực đàm phán để có tiếng nói chung. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam và Mỹ đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ kinh tế, thương mại được thúc đẩy trên cơ sở hai nền kinh tế có tính bổ trợ, hỗ trợ, chứ không cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. Mỹ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; trong khi Việt Nam nằm trong nhóm các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ; xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ lớn, nhưng có lợi cho cả hai bên.
Theo Thủ tướng, nếu Mỹ áp thuế đối ứng như đã công bố sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, các thị trường gián tiếp của Việt Nam và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ cho rằng phải có cách tiếp cận, xử lý vấn đề phải mang tính tổng thể, toàn diện, vừa có trước mắt, vừa có lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, có tổng thể và cụ thể, cả diện rộng và có trọng điểm, cả phi thuế quan và thuế quan. Mặt khác, cần tính đến tổng thể chung quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam; sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại và có giải pháp đàm phán phù hợp.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội. Theo đó, việc Mỹ áp dụng CSTQ mới cũng là cơ hội để Việt Nam đổi mới, bứt phá, vươn mình, phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Dù nhận định sẽ có các tác động từ CSTQ mới, song Thủ tướng khẳng định không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực để đạt 2 con số trong những năm tiếp theo. Bên cạnh nhóm các giải pháp để điều hành chính sách vĩ mô, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu có chính sách giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ DN nếu bị ảnh hưởng. Đồng thời, kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa, thương hiệu, bản quyền, chống gian lận thương mại.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xúc tiến các cuộc trao đổi, tiếp xúc với phía Mỹ trên tất cả các cấp, các kênh, giải quyết các quan tâm từ phía bạn trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Song song với đó, khẩn trương làm việc với các DN Mỹ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của DN nhằm thúc đẩy các dự án tại Việt Nam. Việc rà soát các mặt hàng, tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để cân bằng thương mại với quốc gia này cũng được Thủ tướng nhấn mạnh để các bộ, ngành nghiên cứu, triển khai. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét điều chỉnh giảm thuế phù hợp một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm và thống nhất nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Đối với nội dung này, Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trong chuyến thăm, làm việc tại Mỹ phải cùng với phía bạn tập trung triển khai, hiện thực hóa.
Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ rà soát ngay các sắc thuế, mở rộng chính sách tại Nghị định 73 theo hướng tiệm cận thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump tại cuộc điện đàm nêu trên. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ rà soát để tăng cường nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu, có lợi khi nhập khẩu. Xúc tiến đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ.
Đề nghị tạm hoãn áp thuế
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Ngoại giao tích cực thu xếp để đoàn đàm phán của Việt Nam gặp các đầu mối quan trọng của phía Mỹ; tiếp tục giao thiệp để phía Mỹ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán. Thủ tướng lưu ý, trong đàm phán với Mỹ cần chú ý tránh ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác khác. Về lâu dài, theo Thủ tướng, cần có các sáng kiến để phát triển quan hệ thương mại cân bằng, bền vững giữa hai nước, vì lợi ích hai nước và nhân dân hai nước.
TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Nhóm ngành cử nhân Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam:
Tái cơ cấu chi phí
Doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải xây dựng kế hoạch dự phòng ngắn hạn cho nhiều kịch bản thuế quan khác nhau: 10%, 20%, 30% và cao hơn. Các kế hoạch này nên bao gồm điều chỉnh giá bán, tái cơ cấu chi phí, đàm phán lại điều khoản giao hàng và đánh giá tác động với các hợp đồng đã ký trước thời điểm áp thuế. Trong trung hạn, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam nên tăng cường quan hệ thương mại với các nước thuộc các hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để khai thác những thị trường tiêu dùng lớn với điều kiện thương mại ưu đãi. Các quốc gia như Nhật Bản, Canada và EU là những lựa chọn thay thế giàu tiềm năng.
Ông Mai Văn Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc tế Á Châu:
Chia sẻ với khách hàng
Tập đoàn quốc tế Á Châu năm 2024 xuất khẩu sang Mỹ được hơn 20 triệu USD, trong đó chủ lực là mũ bảo hiểm, bán trực tiếp trên Amazon và một số đối tác. Dù mỗi ngày công ty có khoảng 10 container giao hàng sang Mỹ nhưng ngay khi có thông tin Mỹ áp thuế đối ứng cho Việt Nam 46%, công ty đã cho ngưng toàn bộ việc sản xuất và giao các đơn hàng. Phương án trên được triển khai sau khi trao đổi với đối tác, chờ thông tin rõ ràng. Với các đơn hàng đang trên đường vận chuyển đến Mỹ, dù bán dạng FOB (giao tại cảng của Việt Nam) nhưng công ty sẽ chia sẻ một phần chi phí thuế với khách hàng (nếu có).
Ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (tỉnh Long An):
Đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc
Các khách hàng chiếu xạ (thủy sản, thực phẩm chế biến, trái cây) đi Mỹ của chúng tôi hiện có 3 phản ứng. Với các DN thủy sản, nhiều đơn vị tính chuyện triệu hồi lô hàng đang trên đường đến Mỹ do điều khoản giao hàng tận kho của khách tại Mỹ nếu thuế phát sinh. Một số khách hàng khác thì đang tổng lực đưa hàng xuống tàu trước ngày 9-4, thời điểm thuế đối ứng có hiệu lực. Các DN xuất khẩu trái cây tươi thì vẫn xuất hàng do có thông tin được miễn trừ trong đợt đánh thuế này. Sau điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump, tôi hy vọng hàng hóa Việt Nam sẽ có mức thuế suất phù hợp nhất. Về dài hạn, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vẫn luôn là giải pháp cần thực hiện liên tục. Vừa qua, Chính phủ đã mở cửa thị trường các nước Hồi giáo. Đây là thị trường tiềm năng với dân số đông và sức chi trả tốt. Dù vậy, thị trường có các tiêu chuẩn rất khác biệt nên DN phải có sự chuẩn bị kỹ trước khi giao thương.
Ngọc Ánh - Thái Phương (ghi)
Bình luận (0)