Dù thời tiết nắng nóng, trên công trường dự án đường Nguyễn Hoàng - cầu vượt sông Hương ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, công nhân vẫn khẩn trương làm việc. Công trường nằm trên sông nước nên việc trang bị áo phao, bảo hộ lao động… luôn được các nhà thầu chú trọng.
Rút ngắn tiến độ
Cầu vượt sông Hương có kết cấu bê-tông cốt thép và thép, cấu kiện được sản xuất ở nhiều phân xưởng. Đến nay, khoảng 8.000 tấn cấu kiện đã được sản xuất và nhà thầu vận chuyển đến Huế gần 2.000 tấn để lắp ráp.
Theo ông Thái Đình Đạo, Phó Chỉ huy trưởng công trường của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính (đơn vị thi công cầu vượt sông Hương), khoảng 250 công nhân chia làm 3 ca thay nhau làm việc ở công trình này. "Ở các khoảng thông thuyền giữa sông, chúng tôi thực hiện phương án chống vật rơi, bảo đảm thuyền bè lưu thông an toàn. Các mũi thi công đều bảo đảm tiến độ, dự kiến ngày 15-10 thông xe kỹ thuật" - ông cho biết.
Dự án đường Nguyễn Hoàng - cầu vượt sông Hương được khởi công từ tháng 12-2022, với tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỉ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2025.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đến nay công trình đã thực hiện trên 879 tỉ đồng, đạt 58,8% giá trị hợp đồng. Theo chủ đầu tư, các mũi thi công đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến cuối năm nay cơ bản hoàn thành cầu vượt.
Trong khi đó, dự án tuyến đường bộ ven biển - cầu qua cửa biển Thuận An bắt đầu từ nút giao cầu Tam Giang, kết thúc tại nút giao Quốc lộ 49A - Quốc lộ 49B thuộc phường Thuận An, TP Huế. Công trình dài 7,785 km, trong đó cầu qua cửa biển Thuận An dài 2,36 km. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, khởi công ngày 26-3-2022 và dự kiến khánh thành ngày 25-3-2025.
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ven biển. Đến nay, dự án đã thực hiện được trên 1.166 tỉ đồng, đạt 54,93%.
Theo chủ đầu tư, do thời tiết cuối năm 2023 không thuận lợi, tiến độ thi công nhịp chính cầu vượt cửa biển Thuận An chậm khoảng 20 ngày. Các nhà thầu đang tập trung thi công để theo kịp tiến độ trong năm 2024. "Dù các mũi thi công còn chậm, điều kiện làm việc ở cửa biển gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cùng nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ nhằm cơ bản hoàn thành cầu này vào cuối năm 2024" - ông Quyền khẳng định.
Vướng mắc giải phóng mặt bằng
Vấn đề khó khăn hiện nay là việc giải phóng mặt bằng (GPMB) tại 2 dự án trọng điểm nêu trên của tỉnh Thừa Thiên - Huế còn nhiều vướng mắc.
Đối với dự án đường Nguyễn Hoàng - cầu vượt sông Hương, hiện mới có đủ mặt bằng thi công hạng mục cầu. Ông Nguyễn Đình Quyền cho biết lãnh đạo các cấp, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế và chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ GPMB - chi phí ước tính 390 tỉ đồng - song đến nay vẫn chưa đủ mặt bằng thi công toàn dự án.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, tổng diện tích đất thu hồi phục vụ hạng mục cầu vượt sông Hương khoảng 35.700 m2. Tại phường Kim Long, có 26 thửa đất được thu hồi, dự kiến tái định cư cho 12 hộ dân. Đến nay, cơ quan chức năng đã phê duyệt đền bù đợt 1 với tổng số tiền hơn 18,3 tỉ đồng; 15 trường hợp đã nhận tiền và thống nhất bàn giao mặt bằng.
Hạng mục đường Nguyễn Hoàng có tổng diện tích đất thu hồi hơn 47.600 m2 thuộc 2 phường Kim Long và Hương Long - đa số ảnh hưởng một phần nhà ở, công trình kiến trúc và diện tích đất. Dự kiến, địa phương sẽ hoàn thành việc kiểm kê, lập hồ sơ bồi thường trong tháng 4-2024, tham mưu cho UBND TP Huế phê duyệt đền bù vào tháng 8-2024.
Trong khi đó, dự án tuyến đường ven biển - cầu vượt cửa biển Thuận An có tổng diện tích đất thu hồi hơn 31 ha, thuộc phường Thuận An và xã Hải Dương, TP Huế. Khoảng 900 ngôi mộ và 120 căn nhà, vật kiến trúc phải di dời. Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã di dời xong các loại mồ mả thông thường, hoàn tất GPMB đất rừng phòng hộ với diện tích 4,1 ha.
Tuy nhiên, việc GPMB dự án này vẫn còn vướng mắc. Trong đó, xã Hải Dương còn 9 hộ dân đang chờ đền bù, di dời cùng đợt với các ngôi mộ có kiến trúc phức tạp. Tại phường Thuận An, tổng số hộ có đất ở phải giải tỏa là 229, trong đó 120 trường hợp cần bố trí tái định cư.
Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị UBND TP Huế chỉ đạo các phòng, ban liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù, bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công các hạng mục còn lại của dự án này trước tháng 6-2024. Đối với khu đất quốc phòng, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, kiến nghị đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch của phường Thuận An nhằm có cơ sở trình điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bình luận (0)