xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hướng đi mới cho dân số: Già hóa dân số diễn ra nhanh ở Việt Nam

Ngọc Dung

Hiện tượng số người già tăng lên và số trẻ em sinh ra ngày càng ít là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới

Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), một nước sẽ bước vào giai đoạn "bắt đầu già" khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn "già" khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân.

Nỗi lo "cơn bão" già hóa dân số

Với quy định người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Hơn 60 năm qua, tỉ lệ tăng dân số Việt Nam giảm mạnh, từ mức rất cao là 3,9% (năm 1960) xuống còn 1,14% (năm 2019) và 0,95% (năm 2021). Tổng cục Thống kê dự báo ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỉ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Còn ở phương án mức sinh thấp, 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỉ lệ tăng dân số ở mức âm.

Dẫn chứng thêm, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết nếu như năm 2009, cứ khoảng 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2019, cứ khoảng 2 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người 60 tuổi trở lên. 

Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 25%. Năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già". 

"Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ, mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm" - ông Lê Thanh Dũng nêu thực tế.

Các chuyên gia dân số cho rằng già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. Nâng cao chất lượng đời sống và gia tăng tuổi thọ trung bình là đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, đồng thời với gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững thì xu thế già hóa dân số nhanh là một tất yếu. 

Với thời gian "già hóa" quá ngắn, nền kinh tế còn đang phát triển, Việt Nam chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già. 

Về hậu quả xã hội ít trẻ con, nhiều người già, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), phân tích xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người già. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, "thu ít mà chi nhiều". 

"Mỗi người dân cần chủ động lên kế hoạch từ trước để chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu, già hóa của mình cả về vật chất lẫn tâm lý. Thực tế hiện nay số lượng người cao tuổi tăng nhanh, tuổi thọ tăng cao nhưng chất lượng đời sống của người cao tuổi Việt Nam còn rất kém. Đa phần sống ở nông thôn, không có thu nhập cố định, tuổi thọ cao nhưng nhiều bệnh tật, khoảng cách thế hệ giữa người cao tuổi và người trẻ quá lớn" - GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Cũng theo GS Nguyễn Đình Cử, hiện nay chỉ 20% người cao tuổi có lương hưu nên phần lớn đối tượng này khi mất sức lao động, đau yếu vẫn phải phụ thuộc vào con cái. 

Nhiều người già rơi vào tình cảnh không có con cái, ít con, con cái đi làm ăn xa, định cư ở nước ngoài hoặc con cái nghèo…, họ rơi vào tình trạng tiền ít, bệnh nhiều, cái cần nhiều lại không có, cái có nhiều lại không cần, chất lượng sống cực kỳ thấp. 

Do đó, để sẵn sàng cho một xã hội "già", Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới an sinh xã hội tốt, có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để nâng cao chất lượng sống cho họ.

Việc cần làm hiện nay là chăm sóc tốt cho sức khỏe người cao tuổi để họ tuy già nhưng không yếu, già nhưng vẫn minh mẫn Ảnh: Hoàng Triều

Việc cần làm hiện nay là chăm sóc tốt cho sức khỏe người cao tuổi để họ tuy già nhưng không yếu, già nhưng vẫn minh mẫn Ảnh: Hoàng Triều

Lo cho tuổi già khi còn trẻ

Từng thực hiện một cuộc khảo sát về "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt Nam" với hơn 2.000 người đại diện cho dân số 30-44 tuổi trên cả nước đã công bố vào năm 2022, GS-TS Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết khoảng 67% người được phỏng vấn mong muốn độc lập khi về già, không phụ thuộc vào ai. 

Các yếu tố họ không muốn phụ thuộc đó là về sức khỏe, tài chính và các quyết định của mình trong cuộc sống. Thế nhưng, tỉ lệ đã lên kế hoạch cho tuổi già chỉ chưa đầy 30%. Điều đó có nghĩa là 2/3 số người mong muốn nhưng chỉ 1/3 đã lập kế hoạch.

Cũng theo khảo sát trên, khi trả lời câu hỏi về độ tuổi nên bắt đầu chuẩn bị tài chính cho cuộc sống về già, có 22% người tham gia cho rằng "nên từ 50 tuổi trở lên". Tỉ lệ cho đáp án "nên từ 40 tuổi trở lên"' và "nên từ 30 tuổi trở lên" lần lượt là 19,8% và 14,6%. 

Với kết quả này, GS Giang Thanh Long cho rằng mức độ sẵn sàng cho tuổi già của những người tham gia nghiên cứu là khá muộn, trong khi càng lớn tuổi, nguy cơ phải đối diện rủi ro càng cao. 

"Với cuộc sống hiện nay nhiều người trung niên, thậm chí trẻ tuổi xác định tương lai sau này sẽ vào trung tâm dưỡng lão ở nếu con cái không có điều kiện chăm sóc. Muốn vậy phải chuẩn bị tài chính trong nhiều năm và nên lo cho tuổi già từ khi còn trẻ. Đây cũng là khuyến nghị từ nhiều tổ chức quốc tế" - chuyên gia này nhận định.

Ngoài vấn đề tài chính, các chuyên gia cũng cho rằng người trẻ cũng nên chuẩn bị sức khỏe cho tuổi già khi còn trẻ. Từ thực tế các bệnh lý tim mạch, ung thư, huyết áp, đột quỵ… ngày càng trẻ hóa, GS Nguyễn Đình Cử nêu vấn đề nếu tuổi trẻ không có ý thức giữ gìn, nâng cao sức khỏe bằng việc thay đổi lối sống, hạn chế sử dụng các chất kích thích thì có khi chỉ 30-40 tuổi đã gặp các vấn đề về sức khỏe và đối mặt với nguy cơ bệnh tật.

Già hóa dân số là một tất yếu, không có cách nào đảo ngược hay níu kéo chậm lại khi mà mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, dẫn đến tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số ngày càng lớn. 

Các chuyên gia cho rằng nếu có sự chuẩn bị tốt thì sẽ biến thách thức thành cơ hội. Việc cần làm hiện nay là chăm sóc tốt cho sức khỏe người cao tuổi để họ tuy già nhưng không yếu, già nhưng vẫn minh mẫn, kéo dài được tuổi làm việc và ít cần người chăm sóc.

Người già Việt Nam mắc trung bình 7 bệnh

PGS-TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam - thông tin mỗi người cao tuổi ở Việt Nam trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp. 

Trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, người trên 80 tuổi có thể mắc đến 7 bệnh, chủ yếu là vấn đề hô hấp, chuyển hóa, sa sút trí tuệ. Một thống kê khác của Tổng cục Dân số cho thấy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. 

Cụ thể, phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình ở người Việt Nam cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi), trong đó hơn 67% người cao tuổi tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. 

Một gánh nặng khác khiến tuổi già trở nên khó khăn là 73% người cao tuổi không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Trong đó, gần 66% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định.

Dự báo đến năm 3000, Nhật Bản chỉ còn... 62 người

Nhật Bản là điển hình có tổng tỉ suất sinh (TTSS) thấp dưới TTSS thay thế đến nay đã 50 năm (từ 1974). Năm 2000, TTSS = 1,36 và năm 2022, TTSS = 1,26. 

Các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước Nhật Bản và các nhà khoa học nước ngoài đã cảnh báo nếu không có các thay đổi chính sách mạnh mẽ, thì mặc dù giai đoạn 1975-1995 là nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, GDP/người năm 1995 là 44.200 USD, gấp 1,5 lần của Mỹ, quy mô nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, dân số 2010 là 128 triệu, đứng thứ 11 thế giới vẫn sẽ dẫn tới hậu quả hết sức nghiêm trọng. 

Viện Quốc gia về dân số và an ninh xã hội Nhật Bản năm 2012 đã dự báo: đến năm 2100 dân số Nhật Bản chỉ còn 50 triệu người, năm 2200 còn 10 triệu người, năm 2350 còn 1 triệu người và đến 3000 chỉ còn 62 người.

Từ năm 1990, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con, song không đem lại kết quả mong muốn.

(Trích bài "Phát triển không bền vững về con người - Một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 và giải pháp của Việt Nam" của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV)


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo