Khi tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos lần thứ 55 và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ, ngày 22-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Thủ tướng Liechtenstein, ngài Daniel Risch. Thủ tướng khẳng định Việt Nam mong muốn sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và hai bên tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư.
Nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Liechtenstein hy vọng có thể hoàn thành đàm phán FTA Việt Nam - EFTA trong năm nay, cũng như tiến tới đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Nhiều doanh nghiệp Liechtenstein rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gặp Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof; Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann; đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề Myanmar, bà Julie Bishop; gặp và trao bằng tiến sĩ danh dự cho GS Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam và WEF, nhất là việc khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP HCM và khẳng định đây là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hai bên. Thủ tướng đề nghị WEF hỗ trợ Việt Nam và đồng chủ trì một diễn đàn kinh tế hằng năm ở quy mô thế giới tại TP HCM. GS Schwab khẳng định WEF sẽ tiếp tục kết nối Việt Nam với các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu; hỗ trợ Việt Nam thu hút đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và hỗ trợ phát triển nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo...
Trước đó, tối 21-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM". Khoảng 60 đại biểu quốc tế gồm đại diện WEF, lãnh đạo mạng lưới Trung tâm C4IR thế giới, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, tài chính hàng đầu thế giới dự sự kiện.
Các đại biểu tập trung thảo luận về ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào sản xuất thông minh và hợp tác cùng Trung tâm C4IR; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển trung tâm tài chính của đối tác nước ngoài, cơ hội hợp tác cùng Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM; khuyến nghị và các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đang tập trung tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, cam kết mạnh mẽ về phát triển các ngành then chốt như công nghiệp bán dẫn, AI, hạ tầng số... TP HCM đang hình thành cơ chế khuyến khích AI và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Tháng 9-2024 vừa qua, với sự phối hợp chặt chẽ của WEF, Trung tâm C4IR TP HCM đã hình thành và đi vào hoạt động. Đây là một nỗ lực lớn, có tính đột phá để hướng tới thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng Trung tâm C4IR trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, góp phần giải quyết các vấn đề của Việt Nam, khu vực và thế giới.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tiếp tục góp ý để TP HCM đột phá khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, có thêm những công trình lớn để chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2025; đặc biệt là hình thành được trung tâm tài chính quốc tế trong khoảng 10 năm và phấn đấu hình thành trong 5 năm.
Ông Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Hoạt động toàn cầu của Intel, cùng ông Nobumitsu Hayashi, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), cam kết sẽ đưa thêm nhiều nhà cung cấp trên toàn cầu tới Việt Nam, hỗ trợ hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM cũng như mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0…
Cùng ngày 21-1, đoàn đại biểu Việt Nam tham dự tọa đàm với các tập đoàn tài chính, công nghệ toàn cầu về chủ đề: "Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - cất cánh trong kỷ nguyên thông minh".
Thay mặt Thủ tướng phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng phát triển công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế mà còn là chìa khóa để đưa đất nước cất cánh thành quốc gia công nghiệp hiện đại; là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tri thức, hướng tới phát triển bền vững.
Ngày 22-1, thay mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm "Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số - tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Việt Nam luôn xác định đổi mới sáng tạo và công nghệ sẽ là chìa khóa cho sự phát triển và là động lực then chốt để ngành dược phẩm bứt phá.
Bình luận (0)