Chiều 28-5, bác sĩ Thân Văn Hùng - Phó Chủ nhiệm Khoa Bỏng - Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) - vừa phẫu thuật vi phẫu ghép da cho Y.G.B (26 tuổi, ngụ Đắk Lắk). B. bị bỏng nặng với di chứng sẹo co kéo nặng vùng cổ, 2 nách, 2 bàn tay.
Cụ thể, theo bệnh sử, anh B. được cấp cứu và điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn TP HCM vì bỏng nặng do hút thuốc khi cắt cỏ, đốt rác trên rẫy. Sau điều trị bỏng, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm nhưng vẫn còn phải đối mặt với những di chứng nặng nề vì sẹo co rút. Do đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục điều trị.
Tại bệnh viện, anh B. nhập viện trong tình trạng vùng cằm, cổ và miệng bị biến dạng bởi sẹo, khiến bệnh nhân khó ăn uống, khó nói chuyện và cổ bị gấp dính vào thành ngực. Ngoài ra, sẹo co kéo còn gây ra tình trạng khó khăn trong vận động ở hai bàn tay và hai nách.
Bác sĩ Hùng cho biết bệnh nhân nhập viện có di chứng sẹo co kéo nặng. Vì vậy, cần chia thành nhiều lần phẫu thuật bằng kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt.
"Kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt là một kỹ thuật cao, liên quan đến việc chuyển một mảng da cùng với các mạch máu nuôi dưỡng từ một vùng cơ thể sang vùng khác, các mạch máu được nối dưới kính hiển vi phẫu thuật, giúp tái lập tuần hoàn các vùng bị tổn thương nghiêm trọng" - bác sĩ Hùng chia sẻ. Ông thông tin thêm ca phẫu thuật được thực hiện với sự hỗ trợ của các bác sĩ từ Bệnh viện Nhân dân 115. Sau 11 giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã được chuyển vạt da thành công.
"Trong suốt quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc tìm kiếm mạch máu ở vùng cổ ẩn sâu dưới lớp sẹo dày dính đến việc bóc tách một vạt da lớn từ vùng đùi trước ngoài. Cuối cùng, sau nhiều giờ ê-kíp phẫu thuật làm việc tích cực, vạt da với ba cuống mạch máu đã được nối thành công với ba cuống mạch nhận vùng cổ" - bác sĩ Hùng nói.
Hiện sau phẫu thuật, vạt da sống rất tốt và mềm mại, bệnh nhân có thể ngửa cổ tối đa, há miệng để ăn uống và giao tiếp bằng miệng một cách dễ dàng hơn. Chức năng vận động vùng cổ miệng đã được phục hồi, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân sau thời gian dài sống chung với lớp sẹo dày dính vùng cổ.
Bình luận (0)