Tại hội thảo "Hàng không - Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững" do Báo Nhân dân tổ chức chiều 12-6 tại Hà Nội, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, khẳng định hãng và các hãng hàng không, doanh nghiệp hàng không luôn tìm kiếm hợp tác để "cùng bay" song giai đoạn này còn khó khăn. Đặc biệt, tình trạng thiếu máy bay diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, tải cung ứng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Ngành hàng không đóng góp quan trọng phát triển du lịch. Hiện bay, khách bay quốc tế dần quay trở lại bằng mức năm 2019, bay nội địa có thể nỗ lực tăng các chuyến bay đêm để giảm giá vé. Tháng 4, 5-2024, Vietnam Airlines đã tăng rất nhiều chuyến bay sáng sớm và đêm nhằm tăng thêm tải cung ứng, giảm sức nóng của giá vé trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5; góp phần giảm nhiệt giá vé máy bay trong tháng 5.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trong tháng 5 hãng đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách vào khung giờ đêm. Do đó, bị ảnh hưởng nhiều, mất tính chủ động.
"Vấn đề là cung - cầu của thị trường. Chúng ra đưa ra chuyến bay đêm song thị trường chưa sẵn sàng. Lý do là vì có nhiều điều không thuận tiện cho khách như mất thêm 1 đêm khách sạn, điều này khiến các công ty du lịch ngại ngần. Bên cạnh đó, điểm đến hạ tầng giao thông, du lịch có sẵn sàng, thuện tiện cho mọi người đi lại, du lịch không?"- Tổng giám đốc Vietnam Airlines phân tích.
Theo ông Lê Hồng Hà, Vẫn còn dư địa để giảm giá vé máy bay song cần các bên ngồi lại cùng nhau để tìm giải pháp.
Tuy khó khăn nhưng không có nghĩa là không có khách, cần tạo sức hút với thị trường, tạo ra một thói quen mới trong tiêu dùng của khách hàng.
Cần có những giải pháp hợp tác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp các chuyến bay đêm, ví dụ như đêm nghỉ đầu tiên khách sạn có thể giảm giá 50% hoặc miễn phí… Mặt khác, du lịch Việt Nam cần gia tăng sức cạnh tranh như một điểm đến hấp dẫn. Còn rất nhiều việc phải làm. Ngành du lịch, hàng không và các địa phương cần làm việc với nhau, hiện vẫn chưa có kế hoạch tổng thể, dài hạn…
TS Nguyễn Đức Kiên, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng dư địa để phát triển bền vững còn song với điều kiện chúng ta phải đi cùng nhau, truyền thông được với thị trường để người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của chúng ta, để sản phẩm không chỉ nằm trên giấy.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Du lịch - Hàng không Vietravel, nhấn mạnh làm gì cũng phải tính đến nhu cầu thị trường. Hiện nay giá vé máy bay không chỉ tăng tại Việt Nam mà là tình hình chung trên toàn thế giới (thế giới tăng trung bình từ 17 trở lên).
Giá vé máy bay hiện nay tăng cao song các hãng hàng không Việt Nam đều đang khó khăn. Nếu xét toàn diện các yếu tố giảm giá cho ngành hàng không, đã đến lúc cần sự vào cuộc thực sự của Chính phủ - bà đỡ cho nền kinh tế, trong đó có vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch.
Theo ông Kỳ, do tính chất cộng sinh lớn giữa hàng không và lữ hành, Vietravel sắm cả hai "vai" hàng không và du lịch nên đã tìm mọi cách để giảm giá vé máy bay.
"Chi phí doanh nghiệp hàng không rất lớn, trong khi chúng ra đang bay thuê, tất cả của người ta, từ cái bánh, cái ốc cũng phải nhập,… chúng ta đang "bay gia công", phụ thuộc biến đổi thị trường. Chính phủ cần cũng các bên ngồi lại xem cần giải pháp gì cho ngành hàng không"- ông Kỳ phân tích.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Du lịch - Hàng không Vietravel, "khách không bay đêm đâu, khách có tiền mới đi du lịch bằng máy bay. Bắt Vietnam Airlines bay đêm khách gì tiêu diệt sinh lực lẫn nhau. Chỉ dịp Tết bay đêm có tác dụng vì kiểu gì cũng phải về nhà. Còn bình thường bay đêm chỉ phù hợp bay charter (thuê bao nguyên chuyến), tiết kiệm được 1 đêm, tận dụng thời gian bay để nghỉ ngơi thay vì ở khách sạn để phát triển những sản phẩm du lịch tiết kiệm.
Một lãnh đạo phát biểu bay Sài Gòn ra Hà Nội đắt hơn bay Bangkok, Singapore, chúng tôi thấy buồn. Việc này có thể xảy ra ở một thời điểm cụ thể nào đó, còn nếu quy thành vấn đề là không đúng".
"Chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận lại. Vé máy bay đang cao thế nào, có ảnh hưởng đến du lịch được không? Tôi khẳng định là không ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn bán tour tốt. Cần nhìn nhận sản phẩm du lịch đã tốt chưa. Thái Lan những chính sách giảm giá hỗ trợ hàng không - du lịch mà Việt Nam không làm được. Còn dư địa để giảm giá vé, phát triển bền vững hàng không - du lịch nhưng tất cả các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và hàng không cần ngồi lại với nhau để bàn biện pháp cụ thể"- ông Kỳ nhấn mạnh.
Đưa ngành hàng không du lịch phát triển bền vững
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng hội thảo là diễn đàn quan trọng để cơ quan quản lý, doanh nghiệp hàng không lữ hành, cá nhân, đơn vị quan tâm có thể chia sẻ thông tin, trao đổi ý kiến liên quan đến việc xây dựng và phát triển cầu nối giữa hàng không và du lịch, nâng cao hiệu quả kết nối giữa các ngành, phát huy kết quả đạt được, cùng nhau đồng hành, chia sẻ hướng tới phát triển bền vững, lâu dài.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, du lịch và hàng không giống như đôi cánh cùng góp phần phát triển kinh tế.
Hiện nay, sự hợp tác giữa du lịch và hàng không chủ yếu là do Cục Du lịch quốc gia, các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết. Việc hợp tác này còn quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn.
Nhằm nhìn nhận sự phát triển của hàng không và du lịch, hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng những thực trạng để phát triển 2 ngành hiệu quả, đồng thời giúp Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ hình thành các chính sách, giải pháp mới, góp phần đưa ngành hàng không - du lịch phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hết sức khó khăn, vậy nên rất cần thiết xây dựng kế hoạch tổng thể, cấp quốc gia để có tác động dài lâu.
Bình luận (0)