Các cơ sở làm đẹp không phép ngày càng gia tăng hoạt động vượt tầm kiểm soát, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe của nhiều người. Để rõ hơn về các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người dân cũng như trách nhiệm nhà quản lý, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM).
Phóng viên: Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các quy định trong việc ngăn chặn và xử lý thẩm mỹ viện không phép?
- Luật sư TRẦN MINH HÙNG: Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ có thể hoạt động dưới hình thức như bệnh viện, phòng khám, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Trong đó, bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động. Do vậy, trước khi đi vào hoạt động và cung cấp các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ thì bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
Trước đó, theo Điều 23a Nghị định số 109/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 155/2018/NĐ-CP quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Chính vì quy định về điều kiện hoạt động tương đối dễ dãi này là nguyên nhân khiến cho công tác quản lý của Sở Y tế đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gặp rất nhiều khó khăn.
Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là hoạt động mang lại khoản lợi nhuận cao. Do đó, nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến dịch vụ này. Do đó, cần có một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Thứ nhất, quy định về điều kiện hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hiện nay vẫn còn khá lỏng lẻo. Điều này đã gián tiếp tạo điều kiện để các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trá hình thực hiện các hành vi vi phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh cũng như làm phá vỡ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Do vậy, Chính phủ cần xem xét siết chặt điều kiện hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ để bảo đảm khả năng quản lý trong thực tế.
Thứ hai, đội ngũ nhân sự có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các cơ quan quản lý về y tế cần bổ sung đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở này để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở này. Đặc biệt, cần hạn chế trường hợp khi người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo thì khi xử lý lại được hướng dẫn "tự thương lượng" với các cơ sở thẩm mỹ chứ không giải quyết triệt để.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cần xem xét tăng mức tiền phạt đối với các vi phạm này nhằm bảo đảm mức tiền phạt đủ sức răn đe đối với chủ thể vi phạm.
Trong trường hợp xảy ra sự cố, trách nhiệm pháp lý của các cơ sở thẩm mỹ như thế nào và khách hàng có thể thực hiện những biện pháp pháp lý nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị thiệt hại do "thẩm mỹ viện" dỏm gây ra?
- Trong trường hợp nếu cho rằng việc sử dụng dịch vụ thẩm mỹ gây ra biến chứng là do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh của thẩm mỹ viện gây ra thì căn cứ theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, người đó có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện để được giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh (được quy định tại Chương 9, từ Điều 100 đến Điều 103). Sau đó, tiến hành làm đơn yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh giải quyết. Trường hợp người đứng đầu cơ sở giải quyết không thỏa đáng thì có quyền yêu cầu tiếp lên Sở Y tế hoặc Bộ Y tế. Trong quá trình giải quyết, cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế hoặc Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong việc phẫu thuật thẩm mỹ. Trường hợp vẫn không đồng ý với kết luận của hội đồng chuyên môn thì có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Để xác định mức bồi thường thì sẽ được căn cứ theo Điều 102 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Ngoài ra, vì là một loại hợp đồng dân sự cho nên hợp đồng dịch vụ thẩm mỹ cũng chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015 để xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chưa kể, khi có dấu hiệu hình sự hoặc người bệnh bị thiệt hại nghiêm trọng, biến chứng nghiêm trọng thì có quyền tố giác ra cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Khách hàng cần lưu ý những yếu tố nào để nhận diện và tránh xa các cơ sở dỏm?
- Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ nhưng việc quản lý chưa hiệu quả nên không ít cơ sở làm đẹp lợi dụng quảng bá sai sự thật để thu hút khách hàng. Vì vậy, khách hàng nên ưu tiên chọn cơ sở làm đẹp có bảng hiệu bên ngoài mặt tiền, đi kèm tên bác sĩ và số chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế cấp phép. Với một số cơ sở không có bảng hiệu bên ngoài nhưng bên trong lại có bảng hiệu phẫu thuật thẩm mỹ thì cẩn trọng vì có thể là nơi lừa gạt.
Ngay cả phòng khám hay bệnh viện có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thì chức năng mỗi nơi cũng không giống nhau hoàn toàn. Danh mục thực hiện làm đẹp được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép dựa vào năng lực, kinh nghiệm tay nghề và cả thiết bị máy móc đã được cơ sở đó đầu tư… Khách hàng nên tham khảo bảng danh mục kỹ thuật được cơ sở dán công khai tại khu vực tiếp khách hàng.
Ngoài ra, ở khu vực này, cơ sở làm đẹp sẽ treo công khai giấy phép hoạt động, giá cả, người chịu trách nhiệm chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ… Trường hợp cơ sở nói dối, thông tin không đúng thì khi xảy ra sự cố, họ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Đồng thời, các cơ sở làm đẹp chủ yếu thuê nhân viên tư vấn là người có nhan sắc nhưng không có chuyên môn y khoa hoặc chỉ có chứng chỉ đào tạo nghề. Chưa kể, các cơ sở này còn giao doanh thu nên nhân viên tư vấn sẽ tìm mọi cách tư vấn "quá liều" để móc túi người bệnh.
Khách hàng nên yêu cầu cơ sở làm đẹp ký cam kết bác sĩ phẫu thuật chính trực tiếp mổ. Bởi hiện nay, một bác sĩ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ phải có thời gian khám, chữa bệnh ít nhất 54 tháng. Thực tế, số lượng bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ rất ít so với số cơ sở làm đẹp "mọc lên như nấm", có nhiều thẩm mỹ viện thì người mổ còn chưa có bằng, làm "chui". Việc yêu cầu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề ký cam kết trực tiếp mổ cũng hạn chế được tình trạng một số nơi sử dụng bác sĩ chưa đủ thời gian hành nghề, nhất là các cơ sở tư nhân. Nên tham khảo qua các kênh uy tín, tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ đó, tránh chỉ nghe trên mạng mà tới làm đẹp thì dễ tiền mất tật mang.
Thời gian qua, luật sư đã tiếp nhận khách hàng là những trường hợp bị biến chứng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ chưa và kinh nghiệm rút ra là gì?
- Bản thân tôi đã tiếp nhận rất nhiều khách hàng gặp các trường hợp biến chứng thẩm mỹ khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ, trong đó rất nhiều Việt kiều. Bởi dịch vụ thẩm mỹ nước ngoài chi phí rất cao, điều kiện hành nghề khắt khe, nghiêm ngặt. Đa số các trường hợp này đều xuất phát do những thông tin quảng cáo sai sự thật và khách hàng không tìm hiểu kỹ trước khi tiến hành sử dụng dịch vụ trên mạng. Thường thì các trường hợp này khách hàng không được các cơ sở thẩm mỹ thiện chí giải quyết mà đến khi luật sư sử dụng các biện pháp theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mới xử lý được.
Các cơ quan chức năng không nên để các bên hòa giải là xong, điều này tạo cho các cơ sở tiếp tục tái phạm và coi thường sự nghiêm minh pháp luật. Cho dù nạn nhân và thẩm mỹ viện hòa giải thành thì cần thanh tra, giám sát xử lý nghiêm. Đa số các thẩm mỹ viện hiện nay sai phạm thì yêu cầu khách hàng cam kết không khiếu nại, tố cáo, khởi kiện thì mới trả tiền nên cũng gây khó khăn cho nhiều nạn nhân. Có nhiều vụ thẩm mỹ viện không làm cam kết hay hợp đồng gì, thậm chí không có phiếu thu tiền, khi muốn bảo vệ quyền lợi rất khó khăn. Chưa kể nhiều vụ việc những nạn nhân vì ngại và sợ nhiều người biết nên dù bị biến chứng nhưng vẫn không dám tố cáo… Vì vậy, cần sự giám sát chặt chẽ, nghiêm minh, công tâm từ các cơ quan chức năng chuyên môn và khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm.
Bổ sung trách nhiệm hình sự
Chính phủ cần rà soát để bổ sung vào Nghị định số 117/2020/NĐ-CP việc áp dụng hình thức xử phạt "tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính" đối với một số vi phạm về cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Theo đó, nếu xác định vi phạm hành chính về cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là nghiêm trọng và có sử dụng tang vật, phương tiện liên quan thì quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trên, bởi mục đích của hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhằm loại trừ khả năng tiếp tục sử dụng để tái phạm trong tương lai. Ngoài ra, cần xem xét bổ sung trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh để góp phần ngăn chặn các vi phạm đang diễn ra phổ biến hiện nay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-6
Bình luận (0)