Viết trên tạp chí khoa học Cell Press, nhóm khoa học gia đẫn dầu bởi nhà miễn dịch học Jacob Glanville, Giám đốc điều hành Centivax (một công ty công nghệ sinh học của Mỹ) cho biết họ đã thử nghiệm thành công bước đầu một loại thuốc giải độc đột phá.
Theo các tác giả, ý tưởng của công trình đến từ nhà độc học Tim Friede, người nổi tiếng trên nhiều phương tiện truyền thông về việc dùng chính cơ thể của mình để tìm kiếm khả năng chống lại nọc rắn.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công bước đầu một loại thuốc giải độc có thể kháng lại nọc của 19 loài rắn - Minh họa AI: Thu Anh
Thu thập rắn nuôi từ khi còn trẻ, anh Friede bắt đầu cố tình tự tiêm nọc độc cho mình bằng cách vắt sữa vật nuôi, pha loãng nọc độc của chúng và tiêm vào cơ thể 856 lần trong suốt 18 năm nhằm kích hoạt hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn, đủ sức tự chống lại nọc rắn.
Mặc dù vậy, anh vẫn "thất bại một nửa" khi đối diện với một con rắn hổ mang thực sự. Anh đã suýt chết khi bị rắn hổ mang cắn hai lần riêng biệt trong vòng 1 giờ.
"Tôi có đủ khả năng miễn dịch cho một lần cắn, nhưng không đủ cho hai lần" - người đàn ông kỳ lạ cho biết.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của nhà miễn dịch học Glanville đã tìm kiếm một phương pháp tiếp cận khác: Ứng dụng "kháng thể siêu miễn dịch" trong máu của anh Friede, họ đã tạo nên một loại thuốc giải độc có tác dụng mạnh mẽ hơn.
Thuốc giải độc do nhóm nghiên cứu thử nghiệm bao gồm hai loại kháng thể khác nhau được phân lập từ Friede.
Loại đầu tiên, LNX-D09, có hiệu quả chống lại 6 loài rắn được thử nghiệm trên chuột. Khi kết hợp với một loại thuốc gọi là varespladib, nó chống lại thêm được 3 loài nữa.
Loại kháng thể thứ hai, SNX-B03, có khả năng bảo vệ ít nhất một phần cho toàn bộ nhóm nọc độc của các loài.
Kết hợp tất cả, họ có được một loại thuốc giải độc chống lại được nọc của 19 loài rắn khác nhau, trong đó có 13 loài là sự bảo vệ toàn diện, các loài khác tác dụng sẽ phát huy một phần.
Nhóm tác giả vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tạo ra một công thức thần kỳ hơn mà họ gọi là "thuốc giải độc toàn năng", có thể cứu bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, khỏi bất kỳ loài rắn nào có thể đã cắn.
Hiện nay, việc xác định loài rắn nào đã cắn là một trong những trở ngại lớn trong việc cứu chữa bệnh nhân bị rắn cắn.
Ngoài ra, họ cũng cần tiến tới thử nghiệm lâm sàng (trên người) nhằm xác nhận độ an toàn và hiệu quả của phương pháp mới.
Bình luận (0)