Bộ Thông tin và Truyền thông đang gấp rút hoàn thiện việc soạn thảo nội dung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định ban hành quy chế thuê ngoài dịch vụ (TNDV) công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước. Quy chế ban hành sẽ cho phép các tổ chức, doanh nghiệp (DN) nhà nước được quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ CNTT phù hợp nhu cầu ứng dụng, mở ra thị trường cạnh tranh cho các DN CNTT.
Tiết kiệm hàng trăm ngàn tỉ đồng
Theo ông Nguyễn Tuấn Hoa, chuyên gia tư vấn cấp cao CNTT, cả nước hiện có khoảng 500.000 tổ chức, đơn vị (DN, trường học, công sở, đơn vị nghiệp vụ…) và hơn 2 triệu hộ kinh tế gia đình sở hữu khoảng 50 triệu máy tính các loại. Mỗi năm, chi phí cho việc duy tu, bảo trì, nâng cấp hệ thống kỹ thuật, phát triển các ứng dụng… đã lên tới vài trăm ngàn tỉ đồng. Nếu TNDV chỉ tốn khoảng 10% con số đó thì hàng trăm ngàn tỉ đồng dôi ra sẽ được đầu tư cho những mục tiêu quan trọng khác, như: đổi mới công nghệ, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật cho nhân sự CNTT.
TNDV tại Việt Nam đang hình thành theo 3 hướng dịch vụ: Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM, POS, máy chủ, bảo mật, quản trị mạng… ước đạt 4.000-5.000 tỉ đồng/năm; quản trị hệ thống ứng dụng như: vận hành, hỗ trợ các hệ thống cho ngân hàng, thuế, cấp phát ngân sách, kho bạc quốc gia và cho thuê phần mềm quản lý trên mây (cloud): kế toán, bán hàng, khách sạn, phòng khám…
Từ đầu thập niên 2000, khi nhu cầu ứng dụng CNTT tăng cao, các tổ chức, đơn vị từ trung ương đến địa phương bắt đầu trang bị hệ thống thiết bị, tuyển cán bộ CNTT để quản lý, thậm chí xây dựng các trung tâm CNTT phát triển các ứng dụng phục vụ cho hoạt động của mình. Cách làm này bộc lộ nhiều điểm yếu như không thể chạy đua với tiến bộ công nghệ, không đủ kinh phí để thường xuyên nâng cấp hệ thống, cán bộ chuyên trách dần dần trở thành bán chuyên vì đa phần chỉ xử lý những công việc sự vụ, khắc phục sự cố và quét virus. Chọn TNDV, các tổ chức, DN nhà nước sẽ sử dụng hạ tầng cao cấp, luôn cập nhật công nghệ mới, hệ thống được bảo vệ chuyên nghiệp và sử dụng đúng nhu cầu tránh lãng phí tài nguyên từ các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Chỉ cần nhận được một phần nhỏ trong chi phí hàng trăm ngàn tỉ đồng hiện nay cho hệ thống CNTT thì các DN cung cấp dịch vụ CNTT chuyên nghiệp đã có một thị trường đủ lớn để phát triển.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, việc thuê ngoài giúp các cơ quan nhà nước giảm mạnh gánh nặng đầu tư không hiệu quả, chi phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và bộ máy nhân sự vận hành. Mặt khác, nó còn giúp các cơ quan nhà nước có nhiều lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ uy tín cũng như làm thay đổi đáng kể tư duy đầu tư công và các thủ tục hành chính rườm rà hiện nay.
Cần cơ chế thực thi linh hoạt
TNDV ở nước ta là loại hình mới mẻ nên cần có khung pháp lý và các chế tài chặt chẽ bằng luật để bảo đảm quyền lợi của những tổ chức thuê dịch vụ CNTT. Có thể hiểu quy chế TNDV không bắt buộc các cơ quan nhà nước phải thuê ngoài tất cả các dịch vụ CNTT. Những gì nhà nước đã đầu tư thì cần phát huy tối đa chứ không nên ngưng để chuyển ra hình thức thuê ngoài ngay lập tức. Trong dự thảo quy chế đã đề cập rất rõ 3 hình thức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ gồm: đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ. Điều này cũng sẽ giúp thị trường thuê ngoài phát triển một cách minh bạch.
Ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), kiến nghị: “Để TNDV triển khai hiệu quả, Chính phủ cần ban hành văn bản pháp lý chi tiết. Cụ thể, chi phí TNDV nằm trong hạng mục ngân sách nào, ai cấp và sau đó cần có các hướng dẫn đi kèm cụ thể”. Theo ông Bảo, sử dụng TNDV, khách hàng chỉ nên đưa ra yêu cầu về chức năng, hiệu năng, tính ổn định của hệ thống cũng như chuẩn dữ liệu, chuẩn kết nối và chất lượng dịch vụ chứ không nên áp đặt công nghệ, chủng loại thiết bị, hãng cung cấp giải pháp... Nên để nhà đầu tư chủ động lựa chọn phương án tối ưu.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho rằng để bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn thông tin, dữ liệu, cần đặt ra thêm các điều kiện như danh mục các dịch vụ không được phép thuê ngoài, nhất là các lĩnh vực an ninh, quốc phòng,…
Các trung tâm CNTT tồn tại hay giải thể?
Hiện nay, có nhiều đơn vị đã hình thành trung tâm chuyên trách về CNTT, trong đó có những đơn vị khá mạnh như ở TP HCM hay Đà Nẵng, những đơn vị bảo đảm kỹ thuật cho cả hệ thống hạ tầng CNTT - viễn thông phục vụ các cơ quan Đảng và chính quyền. Số phận của các trung tâm này sẽ ra sao khi quyết định về TNDV của Thủ tướng Chính phủ được thực thi? “Theo xu hướng chung, các đơn vị sự nghiệp có thu trong bộ máy quản lý nhà nước sẽ tách khỏi bộ máy này, hoạt động như những DN thực thụ (DN nhà nước hoặc cổ phần hóa), tuân thủ Luật Doanh nghiệp và theo cơ chế thị trường” - ông Nguyễn Tuấn Hoa cho biết.
Bình luận (0)