Tuần này, Apple đã trở thành tâm điểm của sự chú ý với sự kiện WWDC 14. Lần đầu tiên Apple cho thấy một thái độ cởi mở, tươi trẻ hơn bao giờ hết. Loạt nâng cấp lần này cũng đã giúp Apple nhảy vào cạnh tranh trong những trào lưu công nghệ mới mà hãng từng chậm chân.
Những dấu hiệu già nua
Giới công nghệ không lạ gì với những “thói xấu” của Apple dù đó là một trong những công ty đi tiên phong mang tính cách mạng trong công nghệ. Tuy nhiên, kẻ đặt nền móng không hẳn có thể thích ứng với thời đại mới, Apple dần cho thấy dấu hiệu “xuống sức”. Đây cũng có thể là hậu quả của một thời gian Apple phải phát triển dưới “triều đại” độc đoán của cựu CEO Steve Jobs. Hậu quả là một Apple, khi không còn Steve Jobs, là một công ty công nghệ tồn tại đầy ràng buộc cho người dùng lẫn các nhà phát triển phần mềm, yếu kém sáng tạo, chậm chân với các xu hướng mới.
Hệ điều hành di động iOS của Apple là ví dụ. Tuy vẫn sở hữu một tiêu chuẩn chất lượng vô cùng cao nhưng các thiết bị vận hành iOS ngày càng bị người tiêu dùng bỏ rơi để đến với nền tảng Android đa dạng và phong phú hơn về tính năng. Những giới hạn có từ thời kỳ đầu của iOS vẫn còn đó. Tính tương tác giữa các tiện ích khác nhau rất hạn chế, quản lý dữ liệu còn tệ hơn nữa. Muốn sử dụng một tiện ích để chỉnh sửa tấm hình bạn vừa chụp bằng camera, sau đó đăng lên mạng xã hội thì phải thực hiện một loạt thao tác rối rắm. Trong khi đó, Android cho phép trung chuyển dữ liệu một cách dễ dàng với bộ nhớ trong được xem như một ổ cứng máy tính bình thường. Hệ thống thông báo Notification của iOS cũng chỉ là một nâng cấp gần đây nhưng không thể cạnh tranh với Widgets của Android. Đó là chưa kể đến việc Apple độc đoán buộc người dùng chỉ sử dụng các dịch vụ tìm kiếm và mạng xã hội đã được cài đặt sẵn...
Mặt khác, Apple chậm chân không đưa ra được các giải pháp cho các xu hướng công nghệ mới. Hệ thống bán lẻ nội dung nhạc và phim ảnh trên iTunes đã lạc hậu với thời đại. Hàng loạt dịch vụ nhắn tin, chat mới mẻ nhanh chóng biến iMessage (tiện ích chat mặc định của iOS và OS X) trở thành một di vật cũ kỹ. Dịch vụ lưu trữ đám mây iCloud của Apple chỉ tích hợp một số tiện ích, thua xa cách quản lý và hoạt động của những đối thủ như Google Drive, Dropbox và Sky Drive...
Thông điệp đổi mới
Làn gió mới mà Apple đem lại lần này tại WWDC 14 cho thấy Apple đã thực hiện một cuộc cải cách thật sự, bước qua một thời kỳ mới đầy triển vọng.
Với những dấu hiệu già nua đó, nhiều người lo ngại Apple trước sau gì cũng đi vào con đường của những IBM và BlackBerry - chìm vào quá khứ. Tuy nhiên ngạc nhiên thay, qua sự kiện WWDC 14, Apple “lột xác”. Không những phá các giới hạn cũ, Apple đưa ra các giải pháp còn vượt trội hơn các đối thủ dẫn đầu. Apple còn nhảy vào các trào lưu công nghệ mới để trở thành một đối thủ rất đáng gờm.
Tính tương tác giữa các tiện ích khác nhau bị hạn chế? Nay với khả năng xây dựng các trình mở rộng Extension, các nhà phát triển phần mềm sẽ có thể trung chuyển dữ liệu giữa các tiện ích một cách dễ dàng. Trình duyệt web nay sẽ có thể cài đặt thêm các tiện ích tích hợp, thay đổi dịch vụ tìm kiếm... Không những thế, giải pháp của Apple vẫn giữ được tính chất dễ sử dụng và bảo mật mà iOS luôn tự hào. Điều này cho thấy một sự cởi mở hiếm có từ Apple. Bảng thông báo Notification nay có thể được thêm vào các tiện ích Widgets, vẫn hữu dụng nhưng gọn gàng hơn Android rất nhiều. Đáng chú ý nhất là khả năng tích hợp gần như hoàn hảo giữa thiết bị vận hành iOS và OS X qua Handoff. Người dùng OS X có thể nhận cuộc gọi, tin nhắn SMS, trung chuyển file dữ liệu với các iPhone và iPad. Sự kết hợp giữa 2 nền tảng di động và máy tính cá nhân này cũng có mặt trên Android nhưng buộc phải thông qua các phần mềm thứ ba (Push, Airdrop, MightyText,...), nghĩa là thua xa tính tích hợp mượt mà giữa iOS và OS X - vốn được phát triển bởi cùng một bên là Apple.
Còn với các sản phẩm dịch vụ mới, Apple thách thức các đối thủ bằng hàng loạt giải pháp rất xuất sắc. iCloud Drive nay cho phép quản lý dữ liệu một cách dễ dàng và trực quan. Trình chat, nhắn tin iMessage nhận được hàng loạt nâng cấp như khả năng gửi hình ảnh, video và cả tin nhắn tự động xóa (cạnh tranh với Snapchat).
Cũng đừng quên các tính năng dành cho các nhà phát triển. Thú vị nhất là sự ra mắt của Swift, một ngôn ngữ lập trình đơn giản, rất mới của riêng Apple. Sau đó là Homekit, một bộ công cụ dành cho phát triển các thiết bị gia dụng có thể “nói chuyện” với các thiết bị iOS và OS X. Healthkit sẽ là bộ công cụ dành cho theo dõi sức khỏe, Cloudkit cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây back-end dành riêng cho phát triển phần mềm, TouchID được mở cửa cho các nhà phát triển tự do vận dụng cảm biến dấu vân tay... Tất cả làm cho các tiện ích nền iOS, OS X mạnh mẽ và đa dạng hơn.
WWDC 14 được dự đoán là sự kiện khá nhàm chán nhưng Apple đã thực sự gây ngạc nhiên khi tung ra những tính năng và dịch vụ không chỉ để đuổi kịp các đối thủ mà còn tận dụng được những thế mạnh vốn có của Apple. Apple không còn là một “ngôi vườn kín cổng” mà nay “ngôi vườn” đó đã trở nên tự do hơn rất nhiều và được đa dạng hóa với những tính năng, dịch vụ ngang bằng với các đối thủ hàng đầu khác.
Bình luận (0)