Giám đốc Viện Nghiên cứu Đổi mới thuộc Trung tâm Georges - Pompidou (Pháp) Bernard Stieger nhìn nhận: “Chúng ta bị đặt dưới áp lực phải kết nối trực tuyến. Khó có thể ngừng kết nối vì công nghệ đã xâm nhập hoàn toàn môi trường xã hội và bạn có thể bị cô lập vì không làm theo điều đó”. Nhà văn Mỹ Nicholas Carr giải thích: “Sự lệ thuộc vào internet ở khắp nơi đang có xu hướng làm não ít vận động hơn, ít dành thời gian cho những trang sách. Chẳng hạn, đã có Google trả lời những câu hỏi, GPS định hướng và sắp tới đây là những chiếc xe tự lái… khiến chúng ta trở nên nóng vội và kém thông minh hơn. Tình trạng mất kiên nhẫn ngày càng tăng khi dòng thông tin ngày càng nhanh hơn, cá nhân bị dội bom bởi tin nhắn và thông tin từ mạng xã hội. Tác động tiêu cực đó nặng nề thêm và có thể khiến con người bị stress, đặc biệt là khi mạng xã hội đầy rẫy những thông tin xấu.
Một trong những giải pháp có thể được đặt ra là “giải độc kỹ thuật số” bằng cách ngắt kết nối, tách rời mọi vướng bận. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đó chưa phải là biện pháp khả thi và dễ thực hiện. Nhà báo Pierre-Olivier Labbé, thuộc đài truyền hình Pháp Canal+, cho biết đã cai nghiện internet thành công và tách khỏi smartphone của mình trong 3 tháng. Tuy nhiên, nếu tháng đầu anh cảm thấy thoải mái để cho đầu óc thư giãn thì cuối cùng phải thốt lên: “Tôi cảm thấy bị thế giới bên ngoài cô lập”. Một nhà báo khác là Paul Miller đã cố gắng thoát khỏi internet 1 năm và cuối cùng anh cũng cảm thấy bị bỏ rơi. Lúc đầu, anh thay thế thời gian vào mạng để đọc sách và đi thăm bạn bè nhưng cuối cùng cũng thấy đơn độc.
Hiện cũng có công cụ giúp tạm thời kéo giảm nhịp độ kết nối. Phiên bản hệ điều hành iOS 10 cho phép người dùng smartphone điều chỉnh chế độ “không bị làm phiền” mỗi ngày và cũng có ứng dụng Flipd để khóa thiết bị ở khoảng thời gian lập trình sẵn.
Bình luận (0)