Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 25-8 cho biết đã thực hiện một loạt cuộc không kích phủ đầu nhằm vào các mục tiêu của phong trào Hezbollah ở Lebanon sau khi phát hiện dấu hiệu về một cuộc tấn công tiềm tàng từ nhóm này.
Theo IDF, khoảng 100 máy bay chiến đấu đã tấn công hơn 40 địa điểm ở Lebanon, phá hủy hàng ngàn ống phóng rốc-két của Hezbollah ở miền Nam Lebanon.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã ra lệnh thực hiện cuộc không kích phủ đầu nói trên. Một cuộc họp nội các an ninh Israel được triệu tập cùng ngày để thảo luận về các cuộc không kích và phản ứng của Hezbollah.
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ông Gallant đã tóm tắt về các cuộc không kích "nhằm ngăn chặn mối đe dọa tiềm tàng đối với Israel".
Theo người phát ngôn của Lầu Năm Góc, ông Austin tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ đối với việc bảo vệ Israel trước mọi cuộc tấn công của Iran, các đối tác cùng lực lượng ủy nhiệm của Tehran tại khu vực.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của mình đang theo dõi sát sao tình hình.
Ngay sau cuộc không kích quy mô lớn của Israel, Hezbollah đã đáp trả bằng cuộc tấn công sử dụng rốc-két và máy bay không người lái. Phong trào này tuyên bố đã phóng khoảng 320 rốc-két nhắm vào 11 căn cứ quân sự ở miền Bắc Israel. Trong khi đó, phía IDF xác nhận khoảng 200 rốc-két đã được phóng về phía Israel.
Theo đài CNN, Hezbollah sau đó đã chỉ trích việc Israel mô tả cuộc tấn công của mình là "phủ đầu" và cho rằng cáo buộc của đối phương là "không có cơ sở". Phong trào này cũng cho biết đã hoàn thành giai đoạn đầu của cuộc tấn công Israel nhằm đáp trả hành động sát hại chỉ huy quân sự Fuad Shukr vào cuối tháng 7. Dù vậy, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giai đoạn tiếp theo sắp xảy ra.
Hiện chưa có thông tin về thương vong ở Israel. Trong khi đó, Bộ Y tế Lebanon cho biết 3 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích mới nhất của Israel. Đây được xem là cuộc giao tranh lớn nhất giữa Israel và Hezbollah kể từ khi hai bên bắt đầu đụng độ theo sau cuộc xung đột tại Dải Gaza, nổ ra vào tháng 10-2023.
Đài Al Jazeera nhận định sự leo thang căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã được dự đoán trước. Tuy nhiên, điều đáng chú ý về các diễn biến nói trên là tình hình đã được "kiểm soát ngay lập tức". Diễn biến này cho thấy cả Israel và Hezbollah đều giữ khoảng cách để tránh hướng tới một cuộc chiến toàn diện. Tất cả các bên liên quan, gồm Israel, Hezbollah, Iran và Mỹ, đang cố gắng tránh leo thang vì cái giá của một cuộc chiến như thế sẽ rất lớn.
Cũng với quan điểm tương tự, ông Sami Nader, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Levant (Lebanon), cho rằng Israel đang "kiệt sức" vì cuộc xung đột ở Dải Gaza. Trong khi đó, Hezbollah không muốn một cuộc chiến tương tự những gì xảy ra năm 2006 giữa lúc Lebanon đang rơi vào "khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng".
Cộng đồng quốc tế lập tức kêu gọi hai bên kiềm chế. Văn phòng điều phối viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tại Lebanon và Lực lượng Lâm thời của Liên Hiệp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) đã ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn, không có hành động khiến tình hình xấu thêm.
Thủ tướng tạm quyền Lebanon Najib Mikati đã bày tỏ nỗi lo về bạo lực leo thang và thúc giục xuống thang tình hình. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng cảnh báo nguy cơ mở ra mặt trận xung đột mới ở Lebanon, cũng như kêu gọi sự ổn định tại nước này.
Thông điệp mạnh mẽ của Mỹ
Tướng Charles Q. Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, bất ngờ đến Trung Đông hôm 24-8 để thảo luận về các biện pháp nhằm ngăn căng thẳng leo thang thành cuộc xung đột rộng lớn hơn. Jordan là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến đi này của ông Brown. Các điểm đến tiếp theo là Ai Cập và Israel, theo Reuters.
Chuyến đi trên diễn ra vào thời điểm Mỹ đang tìm cách thúc đẩy Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn - thả con tin tại Dải Gaza. Theo ông Brown, một kết quả như thế có thể giúp hạ nhiệt tình hình. Ngoài ra, vị tướng hàng đầu Mỹ này cho hay ông sẽ thảo luận với các đối tác về nỗ lực ngăn xung đột leo thang và lan rộng.
Những tuần gần đây, quân đội Mỹ đã tăng cường lực lượng tại Trung Đông để đề phòng kịch bản Iran và các đồng minh tấn công trả đũa Israel. Theo ông Brown, Washington muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ nhằm ngăn một cuộc xung đột lớn hơn nhưng cũng nhằm bảo vệ lực lượng Mỹ trong trường hợp bị tấn công.
Cũng trong ngày 24-8, các nhà đàm phán đã thảo luận đề xuất thỏa hiệp mới tại thủ đô Cairo - Ai Cập nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Israel và Hamas về thỏa thuận Gaza. Tuy nhiên, theo Reuters, cuộc đàm phán kéo dài nhiều giờ mà không đạt tiến triển.
Các nguồn tin Ai Cập cho biết đề xuất mới gồm thỏa hiệp về những vấn đề còn gây bất đồng, như cách thức bảo vệ các khu vực quan trọng và việc trở về của người dân tại miền Bắc Dải Gaza. Tuy nhiên, một số mâu thuẫn chính vẫn còn, trong đó có việc Israel muốn giữ quyền kiểm soát hành lang Philadelphi, nằm trên biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập.
Phương Võ
Bình luận (0)