Ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo cầm viên Sài Gòn, cho biết những năm gần đây, nhiều động vật hoang dã ở Thảo cầm viên Sài Gòn đã sinh con như hươu cao cổ, hổ, hà mã…
Các "em bé" quý hiếm
Sự ra đời của các con vật này trở thành nguồn động viên tinh thần rất to lớn cho đội ngũ nhân viên Thảo cầm viên Sài Gòn. Bởi lẽ, việc động vật hoang dã sống trong môi trường nuôi nhốt nhưng vẫn giao phối và sinh sản tự nhiên thành công là khá hiếm và được xem là thành tựu của Thảo cầm viên.
Cụ thể, hồi tháng 6-2022, một con hươu cao cổ đã được sinh ra khoẻ mạnh tại đây. Khi có dấu hiệu mang thai, hươu mẹ sẽ được chuyển vào khu nhà riêng biệt để được chăm sóc, theo dõi bởi bác sĩ thú y. Tuy nhiên, hươu con được sinh ra hoàn toàn tự nhiên.
Hồi tháng 7-2021, Thảo cầm viên Sài Gòn đã chào đón một "bé" hươu cao cổ giống cái cũng được sinh sản tự nhiên. Hươu con chào đời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Thảo cầm viên Sài Gòn phải tạm ngưng đón khách.
Thời điểm này, Thảo cầm viên Sài Gòn đang duy trì khoảng 36 nhân viên, bác sĩ thú y, kỹ thuật viên để thực công tác vệ sinh, chăm sóc thú và cây cảnh. Số nhân viên này không về nhà sau giờ làm mà ở lại Thảo cầm viên. Đều đặn mỗi tuần sẽ có các nhân viên y tế đến để kiểm tra hoạt động phòng chống dịch cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho 36 nhân viên, bác sĩ thú y, kỹ thuật viên.
Tháng 5-2023, Thảo cầm viên đã chào đón sự ra đời của hai chú hổ Bengal - phân loài hổ quý hiếm, có lông màu vàng nhạt đến cam và sọc từ nâu sẫm đến đen.
Cha của 2 chú hổ Bengal con là hổ Bengal đực được sinh ra tại Thảo cầm viên vào năm 2014, mẹ của chúng là 1 trong 4 con hổ Bengal mà Thảo cầm viên đã tiếp nhận cứu hộ từ Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bình Dương vào ngày 23-2-2022.
Nhằm ghi nhận sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã trao tặng 4 con hổ cho Thảo cầm viên, trong đó có mẹ của chúng, Thảo cầm viên đã đặt tên 2 chú hổ con là Bình và Dương.
Tháng 8-2023, một con hà mã con - được đặt tên là Ca - đã chào đời tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Theo ông Trực, hà mã là loài có tập tính bảo vệ lãnh thổ cao, chúng là loài ăn cỏ nhưng lực cắn có thể đạt đến 800 kg/cm2.
Đến thời kỳ sinh sản, hà mã mẹ thường tách đàn để đi đến vùng nước cạn sinh sản. Hà mã con sau khi được mẹ dẫn về đàn có nguy cơ đối mặt với mối nguy bị các cá thể khác trong đàn tấn công đến chết nếu không chấp nhận.
Thực tế, ở Thảo cầm viên từng xuất hiện một trường hợp hà mã con được sinh ra nhưng không được đàn chấp nhận. Cụ thể, ba mẹ của Ca từng sinh hạ 2 hà mã con trước đó. Một "bé" đang được nuôi tại Đầm Sen, "bé" còn lại tên Hột Mít. Vì không được đàn chấp nhận nên hiện Hột Mít được nuôi nhốt riêng tại Thảo cầm viên.
Do đó, sau khi Ca chào đời, Thảo cầm viên đã tìm nhiều cách để nó có thể ghép chung chuồng với ba.
Rút kinh nghiệm từ trường hợp Hột mít, lần này Ca được bảo vệ kỹ hơn, như lắp camera 24/7 để theo dõi thái độ, hành vi của gia đình hà mã, thay đổi kết cấu các khung sắt để ba con của Ca có thể tiếp xúc an toàn với nhau…
Đến nay, sau những nỗ lực của đội ngũ nhân viên, gia đình hà mã đã chấp nhận chung sống hoà thuận với nhau dưới mái nhà ở Thảo cầm viên.
Trải nghiệm kéo co với… hổ Bengal
Trong ngày mùng 4 Tết (12-2), Thảo cầm viên Sài Gòn tiếp tục triển khai hoạt động trải nghiệm "Kéo co với hổ". Đây là hoạt động chỉ được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán.
Nhân vật chính của hoạt động này là chú hổ trắng Bengal, cũng từng là "em bé" được sinh ra tại Thảo cầm viên hồi năm 2015.
Trải nghiệm kéo co với hổ diễn ra vào mùng 1 và mùng 4 Tết Nguyên đán tại Thảo cầm viên. Clip: Sai Gon Zoo
Chú hổ trắng Bengal này tham gia đọ sức kéo co với nhiều người. Cụ thể, nhân viên Thảo cầm viên sẽ cột một miếng thịt 1kg vào đầu một sợi dây thừng để làm mồi nhử hổ trắng. Khi chú hổ ngoạm miếng thịt, phía bên kia đầu dây, nhóm người tham gia trải nghiệm sẽ hợp sức kéo sợi dây được luồng qua kính chắn của chuồng hổ.
Được biết, hoạt động trải nghiệm này đã mở trong 1-2 dịp Tết gần đây và chú hổ vẫn… bất bại.
Bình luận (0)