Ngày 7-6, hơn 98.000 thí sinh đã hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 ở TP HCM. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, hội đồng chấm thi lớp 10 sẽ làm việc vào hôm nay, 8-6. Theo kế hoạch, ngày 20-6 sẽ công bố điểm thi vào lớp 10.
Phần toán ứng dụng quá dài
Sáng 7-6, ngay sau khi kết thúc môn toán, nhiều thí sinh tại các hội đồng thi cho biết đề thi năm nay rất khó. Em Anh Kiệt, dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương, cho biết em đã luyện đề, ôn tập khá kỹ nhưng đề toán năm nay khó đến mức bất ngờ. "Lúc đầu, em dự kiến toán chỉ cần đạt 7 điểm là khả năng cao đậu đúng nguyện vọng 1 nhưng với kết quả làm bài không khả quan, khó đạt 7 điểm như hy vọng" - em Kiệt cho biết.
Mức độ đề toán khó đặc biệt so với các năm trước cũng là nhận định của nhiều giáo viên (GV) tại TP HCM. Ông Phạm Hồng Danh, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn, cho biết với đề thi năm nay, ở bài 1 và bài 2 là khá dễ mà mọi học sinh (HS) trung bình, không mất căn bản đều có thể làm được. Với bài 3 và bài 4 thì mức độ khó bắt đầu dành cho HS khá. Bài 5, 6 và 7 phải những HS giỏi mới có thể làm được. Trong khi đó, ở câu a của bài 8 dành cho HS trung bình. Câu b của bài 8 dành cho HS khá. Câu c của bài 8 dành cho HS giỏi.
Theo ông Danh, một khuyết điểm của đề thi năm nay là các câu ứng dụng vào thực tế quá dài, làm cho HS phải mất rất nhiều thời gian để phân tích và hiểu đề. "Nhìn chung, đề thi năm nay khó hơn năm trước. Điểm trung bình môn toán của tất cả thí sinh năm nay khoảng 4 điểm. Số lượng HS đạt điểm 10 cũng sẽ ít hơn nhiều" - ông Danh nói.
Ông Võ Thanh Quan, Tổ trưởng Tổ toán - Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12), cho hay với đề thi trên, HS khá chỉ làm được 5 - 6 điểm, điểm 8 trở lên sẽ không nhiều. Khả năng tỉ lệ điểm dưới trung bình còn cao hơn năm ngoái.
Theo GV này, trong đề thi, một số bài có cách hỏi thay đổi so với năm trước sẽ khiến HS lúng túng như bài 6 và 7. Cụ thể, bài 6 bình thường chỉ xác định hệ số a và b. Còn năm nay đề yêu cầu tìm 4 hệ số a, b, c, d. Tương tự, bài 7 quá khó, nhiều em sẽ không hiểu để làm. Bài 8 phần hình học, câu a dễ lấy điểm, câu b đòi hỏi sự suy nghĩ và bí quyết lập luận trong khi câu c đòi hỏi các em phải thật sự xuất sắc.
Điểm chuẩn sẽ giảm?
Theo nhiều GV tại TP HCM, nếu đề toán có mức độ khó tương đương ngữ văn và ngoại ngữ thì có lẽ điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ ổn định như năm ngoái hoặc tăng nhẹ. Tuy nhiên, sau môn thi toán, nhiều GV dự đoán phổ điểm môn toán sẽ thấp, theo đó điểm chuẩn có thể giảm. "Tuy nhiên, vẫn phải chờ khi công bố đáp án và biểu điểm chấm thi cụ thể ra sao" - GV một trường THPT tại quận 1 cho biết.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết ở môn ngữ văn, đa số ý kiến cho rằng đề dễ nhưng có thể chưa hẳn vậy - chưa hẳn dễ lấy điểm, phổ điểm môn này có thể chỉ ở mức 5 - 6,5 điểm. Trong khi đó, ở môn ngoại ngữ dự kiến mức điểm dao động khoảng 6,5 - 8,5 điểm. Đặc biệt ở môn toán, với mức độ đề thi như trên thì khoảng điểm thi chỉ có thể ở mức từ 4 - 6 điểm là tối đa. Như vậy, điểm chuẩn năm nay ở tất cả các tốp trường sẽ giảm 1 - 1,5 điểm - ông Phú nhận định.
Trước ý kiến về đề thi môn toán được nhận xét là khó nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết đề thi thể hiện tính phân hóa - có dễ, có khó để chọn HS. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, đề thi vào lớp 10 là đề thi tuyển sinh, thông qua kỳ tuyển sinh sẽ chọn những em giỏi hơn, có năng lực cao hơn vào những trường tốp đầu, những em khá, trung bình thì vào các trường khác. Đề thi tuyển sinh không nói được khó hay dễ mà có tính phân hóa để kỳ thi bảo đảm theo yêu cầu tuyển HS theo đúng nguyện vọng của mình. "Đề thi khó thì khó chung, không ảnh hưởng đến quá trình chọn nguyện vọng của HS" - ông Nam khẳng định.
106.000 thí sinh Hà Nội bước vào kỳ thi lớp 10
Hôm nay, 8-6, 106.000 thí sinh Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại 201 điểm thi với 2 môn ngữ văn và ngoại ngữ. Năm nay, Hà Nội có trên 117.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, gần 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập, hơn 11.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên và hơn 250 lượt thí sinh dự thi song bằng. Để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức thi, Hà Nội thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các trường THCS, THPT trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Sở GD-ĐT TP Hà Nội huy động gần 15.500 lượt cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, hơn 2.000 cán bộ chấm thi. Hơn 600 cán bộ làm công tác thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển thẳng, công nhận trúng tuyển.
Y.Anh
Bình luận (0)