Ngày 27-3, tại "Tọa đàm định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn quận 1" do Sở Công Thương TP HCM phối hợp với UBND quận 1, Trường Đại học Kinh tế -Luật tổ chức, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết thành phố có 233 chợ truyền thống, trong đó 224 chợ đang hoạt động và 9 chợ tạm ngưng chờ nâng cấp, sửa chữa…
Số chợ nhiều nhưng lượng khách đến mua sắm giảm 30%-50% so với năm 2019, thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát.
Theo đó, lượng khách mua sắm thực phẩm giảm 10%-30%; ngành hàng vật liệu, đồ dùng gia đình... giảm 20%-40%. Các ngành hàng như tạp hóa, quần áo, giày dép... giảm 50-70% so với thời điểm trước dịch. Trong đó, giảm mạnh nhất là ngành vải, mất tới 90% lượng khách hàng.
Theo ông Phương, nguyên nhân sụt giảm là do xu hướng tiêu dùng của người dân khi ngày càng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng. Chưa kể, nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm qua các trang thương mại điện tử... áp dụng liên tục để thu hút khách hàng, khiến đa số người tiêu dùng dần thay đổi thói quen tiêu mua sắm.
Trong khi đó, các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng, khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin, quay lưng với chợ truyền thống.
"Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần phải thay đổi mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ, hình thành chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào phát triển của hệ thống chợ tại TP HCM nói chung và tại quận 1 nói riêng"- ông Phương nhìn nhận.
Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết cơ cấu ngành hàng tại các chợ truyền thống trên địa bàn như Bến Thành, Tân Định, Đa Kao... đã không còn phù hợp nên chưa phát huy được hết thế mạnh ngành hàng đặc trưng của chợ để đẩy mạng quảng bá, thu hút người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Bên cạnh đó, các chợ này còn đang được bao bọc bởi 12 trung tâm thương mại, 10 siêu thị và nhiều các cửa hàng tiện lợi.
Để vực dậy và thu hút khách đến chợ trên địa bàn, UBND quận 1 đã yêu cầu ban quản lý các chợ cơ cấu lại ngành hàng theo hướng linh động, phát huy tối đa ngành hàng đặc trưng của từng chợ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của thương nhân.
Cải tạo, chỉnh trang chợ truyền thống nhằm tạo sự sạch sẽ, khang trang, tạo không gian kinh doanh, mua sắm thoải mái cho thương nhân, người dân, du khách. Trang trí, tạo điểm check-in trong các dịp lễ, Tết nhằm thu hút người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Ngoài ra, các chợ triển khai kết hợp bán hàng với các chương trình khuyến mại hoặc hoạt động sự kiện để tăng sự nhận biết, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút khách hàng đến trải nghiệm, mua sắm. Tập trung đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không nói thách giá; thái độ phục vụ bán hàng văn minh, lịch sự.
Bình luận (0)