Trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vào 7 giờ 15 phút, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào 8 giờ, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tiếp theo, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Đình Văn thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.
Vào 9 giờ sáng cùng ngày, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Quốc hội dự kiến bầu Chủ tịch nước hôm nay 21-10
Trước đó, chiều 20-10, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc họp báo có hai câu hỏi về nhân sự từ các nhà báo quốc tế. Đó là, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền thì sẽ xem xét vị trí chức danh nào, vào thời điểm nào?. Câu hỏi thứ hai là ở cuộc họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước. Vậy kỳ họp này có bầu không và có bao nhiêu nhân sự được giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch nước. Lần này, Tổng thư ký Quốc hội cũng không chủ trì họp báo, vậy nhân sự của Quốc hội có thay đổi gì không?.
Trả lời, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết tại phiên họp trù bị vào đầu giờ sáng 21-10, Quốc hội xem xét các nội dung dự kiến trình kỳ họp và xem xét thông qua chương trình kỳ họp. Trong đó có nội dung về công tác nhân sự, sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình chính thức kỳ họp.
"Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp trình Quốc hội thông qua, tại ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật", bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng thông tin: Tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) vừa qua đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định. Đây là việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng tại Quốc hội" - bà Nguyễn Thanh Hải, nêu rõ.
Liên quan các nhân sự thuộc thẩm quyền, bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật, trong chương trình đã bố trí thời gian để thực hiện với nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Kỳ họp sẽ làm việc trong 29,5 ngày
Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, Kỳ họp thứ 8 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21-10, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30-11, theo hình thức họp tập trung. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21-10 đến hết ngày 13-11; đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng ngày 30-11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ 7. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại phiên khai mạc.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét 42 nhóm nội dung, trong đó có 30 nội dung thuộc công tác lập pháp, 12 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Bình luận (0)