Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Thìn, phóng viên Báo Người Lao Động có dịp mục sở thị những ngôi miếu nằm giữa cửa sông Cái, khám phá những tín ngưỡng dân gian của xứ Trầm Hương.
"Mẫu Thoái cung"
Du khách và kể cả người dân Nha Trang đứng trên Tháp Bà Ponagar nhìn xuống Sông Cái Nha Trang nhiều người thắc mắc miếu thờ giữa sông Cái, cạnh cầu Xóm Bóng là miếu gì? Hay đi ngang cầu Trần Phú nhìn ra vịnh Nha Trang, phía xa xa là miếu thờ nhấp nhô giữa cửa biển, nhiều người có thể chưa biết có gì trên đó?
Khi chúng tôi hỏi về 2 ngôi miếu kỳ lạ này, nhiều người dù đã sinh sống ở Nha Trang hàng chục năm nay nhưng cũng lắc đầu không biết trên đó có gì? Chỉ những người ngư dân sống ở phường Xương Huân, Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước mới "lờ mờ" cho biết mỗi lần ra biển thì họ thường lên đó thắp hương, khấn bái để cầu cho chuyến biển thành công.
Tuy nhiên, khi thuê tàu cập miếu ở gần cầu Xóm Bóng vào dịp đầu xuân thì một không gian tín ngưỡng mở ra một cách thú vị. Trên miếu giữa sông Cái tạm thời được chia làm 3 khu vực gồm điện thờ chính, 3 am thờ nhỏ và khu hậu cần. Xung quanh được bao bọc bởi cây xanh, xen lẫn những tảng đá rất lớn như căn nhà.
Theo bố trí của miếu trên sông Cái thì chính điện hướng ra phía đông, giữa miếu là bàn thời Mẫu Thoái Cung và Tam vị Tôn ông, trước miếu là lư hương lớn. Phía trái là khu hành lễ, nơi các hầu đồng chuẩn bị trang phục. Phía phải điện có am nhỏ thờ 3 vị là Cậu Út Thủy Cung, Cậu Tôn Thần và Cậu Thiên Sơn; am thờ 3 cô là Cô Bơ Thoải, Cô Năm Ngoại và Cô Sáu Thượng Ngàn; am thờ 5 tượng khác gọi là Ngũ Mẫu.
Khu vực chính điện được một nhóm Hầu đồng – múa Bóng thực hành tín ngưỡng dân gian với giàn nhạc theo lối chầu văn, diễn tuồng. Người nghệ nhân mặc bộ trang phục trắng, đội khăn phủ kín đầu, sau đó nhảy múa theo điệu nhạc. Họ dâng lễ tạ trời đất và các vị Mẫu, Cô, Cậu trong miếu.
Theo những người thực hành tín ngưỡng dân gian, điện thờ này là thờ Thánh Mẫu Đệ Tam là vị nữ thần tối cao thứ 3 trong Tam Tòa Thánh Mẫu của Tam, Tứ Phủ. Mẫu Thoải tức là Mẫu Thủy hay còn gọi là Thủy Cung Thánh Mẫu. Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước do đó ngư dân thường đến miếu trên sông Cái đề cầu xin Mẫu phù hộ độ trì khi ra biển.
Trong khi đó, 3 vị Tôn ông, được lý giải là Tam Phủ Vương Quan trong điện thần Tam, Tứ Phủ. Khi ngự đồng, ông mặc áo trắng thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp. Do đó, khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, người ta thỉnh quan về chứng đàn Thoải Phủ thì tất cả đều màu trắng.
Theo ông Lê Văn Hoa, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa, vùng đất Khánh Hòa, người Việt khi vào vùng đất Khánh Hòa đã mang theo tục thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng - múa Bóng. Tại đây, người Việt hòa nhập cùng tín ngưỡng thờ nữ thần Mẹ xứ sở (Pô Inư Nagar) của dân tộc Chăm và của người Việt (gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu) qua đó đã làm nên tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa đầy bản sắc và độc đáo. Tuy nhiên, hình thức múa Bóng của người Chăm và người Việt có nét khác nhau. Trong đó, hầu đồng ảnh hưởng văn hóa của người Việt.
Cậu Tài, cậu Quý con bà Ponagar
Rời miếu thờ giữa sông Cái Nha Trang, chúng tôi tiếp tục bắt tàu ra cửa biển. Ở đây có một khu miếu lớn mặt hướng về phía Đông. Theo các ngư dân, sau khi làm lễ ở miếu sông Cái nếu muốn vươn khơi xa, đi biển dài ngày thì phải ra miếu cửa biển này. Khu miếu khá rộng, nằm xung quanh bãi đá lớn ngay cửa sông Cái. Tàu thuyền muốn tiếp cận phải hết sức cẩn thận vì rất dễ va vào đá ngầm.
Trước khu miếu là hình dáng con tàu với Phật Tổ, bên cạnh là tượng Quan Âm Bồ Tát, dưới là tượng Địa Tạng. Ngoài ra còn có thờ thần Hổ Sơn Lâm.
Khu chính điện khá cũ và khá kỳ lạ khi thờ một mũ vàng, 2 bên là 2 tượng thần khác. Gian chính được khắc vẽ với nhiều họa tiết rồng cuộn, 2 hàng binh khí và một chiếc chuông.
Khu bên trái điện là thờ Thánh Mẫu phía dưới còn thờ Cô và Cậu. Ngư dân ở đây cho biết Cô và Cậu ở đây chính là con của Mẹ xứ sở Ponagar. Quan điểm này trùng với thông tin mà Sở Văn hóa Thể thao Khánh Hòa thông tin việc Di tích văn hóa lịch sử Tháp Bà Ponagar có Tháp Tây Bắc (phía sau Tháp chính, cao khoảng 9m) gọi là Dinh cô cậu. Nơi đó thờ 2 người con của Bà Thiên Y A Na (cách nói của người Việt).
Theo nhiều nhà nghiên cứu khác lại cho rằng các khu vực miền Nam lại có tục thờ 2 cậu chứ không phải là cô cậu. Hai cậu Tài (Chài) và Cậu Quý (Trí) gọi là nhị vị công tử và cũng là con trai của Mẹ xứ sở Ponagar. Tượng hai cậu được thờ ở nhiều nơi thuộc khu vực Nam Bộ gắn với vùng sông nước. Người dân ở đây thường đến cầu bình an, may mắn ở Dinh Cậu trước khi ra khơi. Có nơi nói rằng hai cậu là thần tiên chuyển kiếp, hạ phàm giúp dân, mang đến may mắn, tài lộc; là vị thần bảo mệnh, bảo vệ vùng sông nước và người dân…
Ở bên phải chính điện, là am thờ Ngũ Mẫu phía sau là thờ các bậc Tiền hiền Hậu hiền của địa phương. Theo người dân, thờ Ngũ Mẫu tức năm Bà: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngũ hành thần nữ đã được triều Nguyễn liệt vào tự điển và ban tặng sắc phong ở một số miếu ở Khánh Hòa.
Ông Lê Văn Hoa, cho rằng ở Khánh Hòa người dân thực hành tín ngưỡng theo hình thức đa thần từ thờ Mẫu Thiên Y Ana, Mẫu Ngũ hành, thờ Phật, đến thần Nam Hải… Mỗi nới sẽ còn một hình thức tín ngưỡng khác nhau. Tuy nhiên, ở 2 miếu ở sông Cái gắn với ngư dân, nghề biển. Ngư dân thờ phụng cốt để an tâm ra biển, cầu mong chuyến biển bình yên, thuận buồm xuôi gió…
Clip Khám phá miếu thờ giữa cửa sông Cái Nha Trang
Bình luận (0)