Sáng 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phía Bắc để sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi).
Thiệt hại hơn 81.000 tỉ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, tính đến ngày 27-9, bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 35.029 ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, gần 6 triệu con gia cầm bị chết… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 81.503 tỉ đồng.
Ông Lê Minh Hoan cho biết ngay sau khi bão số 3 đổ bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo theo sát tình hình bão và mưa lũ sau bão. "Nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả bão lũ, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, báo cáo địa phương này bị thiệt hại về người, tài sản rất lớn, với 29 người chết và trên 1.600 người bị thương; thiệt hại tài sản khoảng 25.000 tỉ đồng. Tỉnh đã cơ cấu lại nguồn thu chi, dành khoảng 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ khắc phục thiệt hại, lập đề án tái thiết kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thiệt hại sau bão.
Ông Huy kiến nghị nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP, nhằm khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng để khôi phục sản xuất - kinh doanh; giảm hoặc lùi thời gian đóng BHXH; hỗ trợ các tàu thuyền bị đắm...
Bão số 3 đã gây thiệt hại đối với TP Hải Phòng khoảng 12.300 tỉ đồng. Thành phố đã bố trí khoảng 1.500 tỉ đồng để khắc phục sau bão. Cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP.
Là địa phương bị thiệt hại rất nặng nề về người do mưa lũ, sạt lở đất, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Phạm Xuân Phong thông tin tỉnh đang tiếp tục giao các lực lượng tại chỗ tìm kiếm người mất tích; đang tập trung xây dựng 3 khu tái định cư là Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Phấn đấu đến ngày 31-12 sẽ hoàn thành 3 khu tái định cư này.
"Mỗi người làm việc bằng hai"!
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu 5 bài học kinh nghiệm trong công tác dự báo, cảnh báo, lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông, huy động lực lượng, tổ chức thực hiện để làm tốt hơn khi xảy ra tình huống thiên tai phức tạp sau này.
Theo Thủ tướng, công tác dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm, từ xa. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước. Phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng chống, khắc phục hậu quả. Coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.
Thủ tướng nêu rõ trong thời gian tới, mục tiêu vẫn là "không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói rét, thiếu nước uống, không có chỗ ở; học sinh phải được đến trường; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khẩn trương khôi phục sản xuất - kinh doanh; tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát".
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng, bảo đảm phù hợp và công bằng giữa các địa phương. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông. Bộ Tư pháp cùng các bộ liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, cụ thể là các nghị định, thông tư có các quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để khắc phục hậu quả bão lũ, hoàn thành trong tháng 10-2024. Bộ Quốc phòng và các cơ quan hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự.
Các bộ, ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ quản lý nhà nước, rà soát, đánh giá, có chương trình, dự án lâu dài phòng chống sạt lở, thiên tai. Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, các địa phương, bộ, ngành liên quan phải hoàn thành xong chậm nhất vào ngày 31-12. Song song đó, khắc phục cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10-2024. Riêng với cầu Phong Châu bị sập, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan, cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại xong chậm nhất trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn. Tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, 2025 và của cả nhiệm kỳ.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Tính đến ngày 25-9, dư nợ bị ảnh hưởng từ bão số 3 của tất cả tỉnh, thành phố là 165.000 tỉ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.
Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện có 32 tổ chức tín dụng đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 0,5%-2%. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỉ đồng.
NH Nhà nước cũng đang dự thảo thông tư tái cơ cấu nợ; đồng thời chỉ đạo các NH thương mại xây dựng các gói tín dụng mới; xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay cho đối tượng bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)