Lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Điện Biên tổ chức sáng ngày 24-12, tại Cảng hàng không Điện Biên.
Đây là 1 trong 4 công trình giao thông quan trọng mà Bộ GTVT đồng loạt khánh thành trong sáng 24-12, gồm: Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tại 4 điểm cầu Điện Biên, Tuyên Quang, Vĩnh Long và Tiền Giang.
Dự lễ khánh thành tại điểm cầu Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần hỏi thăm, tặng quà các cựu chiến binh.
Báo cáo tổng quan về bốn dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết trong năm 2023 đã đưa vào khai thác 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc của nước ta lên 1.892 km và hoàn thành nâng cấp mở rộng cảng hàng không Phú Bài, cảng hàng không Điện Biên. Với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" vượt qua những khó khăn, thách thức, 4 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác để phục vụ nhân dân vào dịp năm mới 2024.
Phát biểu tại lễ khánh thành tại sân bay Điện Biên, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, nhấn mạnh: Thực hiện lời hứa với Thủ tướng tại công trường, sau 22 tháng quyết liệt triển khai, ACV đã hoàn thành và đưa dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên vào khai thác.
Sân bay Điện Biên là một trong những sân bay chính của lực lượng Phòng không - Không quân tại khu vực chiến trường phía Tây Bắc, là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta. Vị trí chiến lược đặc biệt này là cầu nối giữ vị trí xung yếu, then chốt; là mắt lưới rất quan trọng đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc nói riêng và đất nước nói chung.
Sân bay Điện Biên nằm trong hệ thống 21 sân bay được giao ACV quản lý, khai thác. Trước đây, do điều kiện kỹ thuật hạn chế, địa thế lòng chảo đặc biệt, sân bay Điện Biên chỉ có thể tiếp nhận được loại máy bay nhỏ ATR72 và tương đương, thường xuyên không tiếp nhận được các chuyến bay do điều kiện thời tiết.
Đến nay, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mở rộng, sân bay Điện Biên với đường cất hạ cánh được xoay trục xây mới có chiều dài 2,4 km, rộng 45 m, sân quay 2 đầu, sân đậu máy bay mới với 4 vị trí, đồng bộ kết cấu bê-tông xi-măng; xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I... đảm bảo tiếp thu các loại máy bay thế hệ mới Airbus A320, Airbus A321 hoặc tương đương. Nhà ga hành khách được mở rộng, nâng công suất thiết kế từ 300 ngàn lên 500 ngàn khách/năm, khả năng tiếp thu 1 triệu hành khách/năm. Dự án đã nâng cao được năng lực khai thác, tạo điều kiện kết nối hiệu quả Điện Biên với các vùng kinh tế khác trên cả nước bằng máy bay phản lực hiện đại và cũng là tiền đề cho các đường bay quốc tế trong tương lai; góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.
Theo Chủ tịch HĐQT ACV, Dự án không lớn, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, cộng với hơn 1.500 tỉ đồng giải phóng mặt bằng do tỉnh Điện Biên nhịn ăn, nhịn mặc làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, thành quả ngày hôm nay đem lại niềm vui, niềm tự hào hết sức to lớn trong việc đầu tư xây dựng, quản lý khai thác hệ thống cảng hàng không toàn quốc, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao đối với hạ tầng cảng hàng không vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
"Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên vinh dự là công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Ngành GTVT"- ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô nhấn mạnh đây là sự kiện rất quan trọng, mở ra những cơ hội mới thu hút khách du lịch, đầu tư đến với Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, tăng cường liên kết với các địa phương; là tiền đề, tạo đà để tỉnh Điện Biên bứt phá vươn lên trong thời gian tới.
Phát biểu trong lễ khánh thành tại sân bay Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự xúc động khi 20 chiến sĩ tham gia chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm xưa có mặt tại buổi lễ quan trọng này.
Về 4 dự án quan trọng của ngành GTVT được khánh thành trong sáng 24-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết 4 dự án sân bay, cầu lớn qua sông Tiền, đường cao tốc ở 2 đầu đất nước với tổng số vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng. Đây là dấu mốc lịch sử lần đầu tiên tổ chức khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm, trong cùng thời điểm bằng trực tuyến.
Bốn công trình hôm nay đưa vào sử dụng khai thác góp phần đưa kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã có 730 km đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đưa vào khai thác sử dụng. Nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước đến nay lên gần 1.900 km. Và đang thi công gần 1.700 km cao tốc kết nối Bắc Nam và các cao tốc kết nối Đông Tây. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng ta sẽ hoàn thành vượt mức mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là đến năm 2025 có gần 3.000 km đường cao tốc, và đến 2030, Kỷ niệm 100 năm này thành lập Đảng, chúng ta sẽ có trên 5.000 km đường cao tốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố khánh thành 4 công trình: Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Sau đó, nghi thức khánh thành 4 dự án giao thông lớn đã được tiến hành đồng loạt tại 4 điểm cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tiến hành gắn biển công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày truyền thống ngành GTVT, trồng cây lưu niệm tại sân bay Điện Biên.
Sân bay Điện Biên tích cực ứng dụng chuyển đổi số
ACV đã ứng dụng chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số để chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ tại Nhà ga hành khách của sân bay Điện Biên như: Hệ thống cơ sở dữ liệu hoạt động sân bay (AODB); Hệ thống hỗ trợ giúp hành khách tự làm thủ tục hàng không (Self Check-in Kiosk); Hệ thống phát thanh tự động ứng dụng AI để phát thanh tìm theo tên hành khách;...
Bên cạnh đó, để thuận tiện và nhanh chóng trong công tác làm thủ tục hàng không, ACV phối hợp với Trung tâm nghiên cứu - Ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục C06 Bộ Công An triển khai ứng dụng sinh trắc học toàn trình, thẻ CCCD gắn chip điện tử, dữ liệu về dân cư đối với hành khách đi máy bay cùng với hệ thống thiết bị kiểm soát các thủ tục an ninh tự động (Automatic Gate Access Control), áp dụng hệ thống kiểm soát lên máy bay tự động (Self Boarding gate), đáp ứng kịp thời với sự phát triển của khoa học công nghệ trong nước và trên thế giới, đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách.
Bình luận (0)