Là trung tâm đổi mới, sáng tạo của cả nước, TP HCM được kỳ vọng đi đầu trong việc phát triển kinh tế số, tạo ra bước đột phá lớn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đã đề ra, thực tiễn đang đòi hỏi TP HCM sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để kinh tế số thực sự là động lực tăng trưởng mới.
Đối mặt nhiều thách thức
Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đề ra mục tiêu đến năm 2030, TP HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. TP HCM tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8% - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, TP HCM đã đề ra nhiều giải pháp đột phá. Trong đó, đáng chú ý là Đề án "Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", với chủ trương phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.
Tuy nhiên, TP HCM đang gặp một số thách thức cơ bản. Đó là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế số có lúc có nơi chưa thật sự đầy đủ. Cơ chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số còn chưa thật sự đồng bộ. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao (yếu tố đặc biệt quan trọng trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số) vẫn còn mỏng. Tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý chưa cao. Việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin trước các mối đe dọa và nguy cơ xảy ra tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và các chuỗi cung ứng, các hệ sinh thái số cũng là một thách thức.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để vượt qua những thách thức trên và hiện thực hóa khát vọng vươn lên phát triển xứng tầm trước xu thế mới, đòi hỏi TP HCM không chỉ khơi thông, huy động, sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả mà còn cần thực hiện phương châm: Hoàn thiện cơ chế để "mở đường", nhà nước làm bệ đỡ, doanh nghiệp đi tiên phong và có nguồn nhân lực số chất lượng cao. Với tinh thần đó, TP HCM cần quan tâm thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp về tính tất yếu của chuyển đổi số; về vai trò, tầm quan trọng phát triển kinh tế số. Xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số để người dân và doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng trong thực tế. Nghĩa là, mỗi logo đại diện cho một dịch vụ công tiêu biểu, mỗi dịch vụ công của từng cơ quan, đơn vị khác nhau sử dụng nhưng luôn bảo đảm sự đồng bộ. Công khai, chính xác thông tin, bảo mật thông tin của mỗi người dân và doanh nghiệp để tăng cường lòng tin của họ đối với việc chuyển đổi số. Bởi lẽ, nếu người dân và doanh nghiệp không có lòng tin về chuyển đổi số thì sẽ khó thành công.
Tiếp đến, cần hoàn thiện cơ chế để thúc đẩy phát triển thị trường tài chính (gồm hình thành và triển khai thị trường vốn, thị trường tiền tệ cho kinh tế số). Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế số theo hướng phân cấp hợp lý, chịu trách nhiệm trong thẩm quyền quyết định về tài chính cho các vấn đề liên quan dự án đầu tư kinh tế số ở các địa phương, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cần hoàn thiện chính sách, công cụ tài chính nhằm phát triển các lĩnh vực/ngành kinh tế số, giảm thiểu rủi ro nghiên cứu công nghệ sáng tạo kinh tế số, giảm tổn thất trong hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế số; hình thành cơ chế, chính sách khuyến khích tài chính đối với các tập đoàn kinh tế số mạnh. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hộ gia đình sang doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất - kinh doanh. Có chế tài để kiên quyết xử lý, xử phạt đối với cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp không tuân thủ quy định khi tham gia quá trình chuyển đổi số.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp, cần tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nhanh chóng trưởng thành, phát triển về số lượng và chất lượng. Trong đó, xem trọng phát triển công nghiệp ICT - vòng lõi của kinh tế số. Bởi lẽ, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng khẳng định vai trò chủ lực trong nền kinh tế, góp phần nâng cao năng lực toàn diện về chuyển đổi số, không ngừng khẳng định vị thế và vai trò tại thị trường trong nước, từng bước thành công và vươn ra nước ngoài. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế số trong tương lai.
Một nền kinh tế phải có một lực lượng sản xuất tương ứng. Do vậy, TP HCM cần chú trọng phát triển, thu hút chuyên gia về công nghệ số và doanh nhân số. Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ hệ thống quản lý giáo dục; mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối… để có nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế số trước yêu cầu mới.
Nhiều lợi ích từ kinh tế số
Ở nước ta hiện nay, kinh tế số được xem là một trong 3 trụ cột chính (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) của chuyển đổi số quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng hơn trong xu thế mới.
Phát triển kinh tế số mang lại những lợi ích cơ bản, như: Giảm chi phí giao dịch; giảm sự bất cân xứng thông tin; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, sản xuất. Kinh tế số còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến; tăng sự minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chính quyền; đem đến sự cải thiện tích cực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, giúp nền kinh tế ngày càng phát triển bền vững.
Bình luận (0)